|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Liệu bếp chung GrabKitchen sẽ là 'Big Bang' tiếp theo trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á?

07:35 | 26/02/2020
Chia sẻ
Mô hình “cloud kitchen” (bếp chung) hiện đang mọc lên như nấm ở châu Á và khiến siêu ứng dụng Grab theo đuổi. Travis Kalanick, người sáng lập Uber, còn đặt cược bếp chung sẽ là “cú nổ lớn” tiếp theo trong lĩnh vực giao đồ ăn.

Grab - một trong hai siêu ứng dụng lớn nhất khu vực Đông Nam Á, đang mở ra nhiều khu bếp chung - những “nhà hàng” nhưng hầu như không thực khách nào đến ăn. 

Mô hình bếp chung gần như chỉ dành cho những người muốn dùng bữa với thực phẩm chất lượng như ngoài nhà hàng, nhưng ở nơi làm việc hoặc tại nhà.

Bếp chung còn là mô hình ra đời nhờ sự bùng nổ của lĩnh vực giao đồ ăn, vốn đang diễn ra ở Đông Nam Á và Grab là doanh nghiệp tiên phong.

Liệu bếp chung GrabKitchen sẽ là 'Big Bang' tiếp theo trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á? - Ảnh 1.

Grab đưa mô mình bếp chung GrabKitchen vào vận hành tại quận Thủ Đức, TP HCM từ tháng 10 năm ngoái. (Ảnh: Grab)

"Kì lân" Grab lần đầu thử nghiệm mô hình bếp chung tại Indonesia. Từ đó đến nay, Grab đã nhân rộng mô hình sang Việt Nam, Thái Lan và Singapore.

Hồi tháng 10 năm ngoái, khu bếp chung GrabKitchen do Grab đầu tư tại quận Thủ Đức (TP HCM) đã vận hành sau một tháng thử nghiệm. Đến cuối năm 2019, Grab đã mở ra hơn 50 khu bếp chung GrabKitchen ở Đông Nam Á.

Bếp chung - lời giải cho bài toán chi phí thuê mặt bằng, nhân viên phục vụ 

Trong đó, bếp chung GrabKitchen đầu tiên mà Grab triển khai tại quê nhà Singapore tọa lạc tại khu Hillview thuộc phía tây thành phố.

Chia sẻ không gian cùng một nhà máy và một nhà kho, bếp chung này có 10 nhà hàng ảo, bao gồm Waboru - một quầy thức ăn nhanh theo phong cách Nhật Bản; một quầy trà sữa Playmade; và một quán Thai Dynasty.

Mỗi bếp riêng có diện tích 12 - 21 m2 - với bồn rửa cùng một số đồ đạc khác. Người thuê khu bếp tự mua tủ lạnh, dụng cụ nấu ăn, dụng cụ ăn và nguyên liệu của riêng họ.

Mặc dù có khu vực ăn uống, GrabKitchen chủ yếu hoạt động như một điểm tập kết để giao đồ ăn bằng xe máy hoặc xe đạp đến nhà hoặc văn phòng của khách hàng.

Mô hình bếp chung không phải là một khái niệm mới mẻ. Các cửa hàng giao pizza đã hoạt động tương tự từ nhiều thập kỉ trước. Đồng thời, mô hình kinh doanh sử dụng không gian lớn và sau đó chia nhỏ cho từng khách hàng này khá tương đồng với "kì lân gãy sừng" WeWork.

Tuy nhiên, các xu hướng công nghệ và tiêu dùng gần đây đã giúp dịch vụ giao đồ ăn bùng nổ. Bếp chung vừa là kết quả của tiến trình đó vừa là giải pháp cho vấn đề chi phí thuê bất động sản tăng vọt.

Trước khi mở một bếp chung, Grab đã phân tích lịch sử tìm món trên mạng của người dùng GrabFood nhằm xác định các món ăn, thức ăn nhanh và đặc sản phổ biến với người dân địa phương nhưng lại thiếu nguồn cung trong khu vực của họ.

Sau đó, Grab lựa chọn một địa điểm và phong cách vận hành tối ưu để giảm thiểu rủi ro cho các nhà hàng tiềm năng trong khu bếp chung.

Liệu bếp chung GrabKitchen sẽ là 'Big Bang' tiếp theo trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Đông Nam Á? - Ảnh 3.

Grab lựa chọn một địa điểm và phong cách vận hành tối ưu để giảm thiểu rủi ro cho các nhà hàng tiềm năng trong khu bếp chung. (Ảnh: Nikkei Asian Review)

"Chi phí thuê mặt bằng là một trong các gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp kinh doanh ẩm thực và đồ uống (F&B) tại Singapore", giám đốc tư vấn giải pháp doanh nghiệp Chiaki Kawamura, cho hay.

Bà Kawamura từng tham gia hỗ trợ nhiều công ty mới bước chân vào thị trường Singapore, theo Nikkei Asian Review.

"Đối với các nhà hàng muốn có lượng khách và doanh thu ổn định, địa điểm là yếu tố mang tính sống còn. Nhà hàng của bạn phải nằm ở những nơi như trung tâm thương mại có tiếng gần ga tàu lớn. Song các mặt bằng như vậy thường ít khi có sẵn và cũng rất đắt đỏ", bà Kawamura lí giải.

Chi phí khởi nghiệp cho các công ty thuộc lĩnh vực F&B không chỉ liên quan đến tiền thuê mặt bằng.

"Nếu điều hành một nhà hàng, bạn sẽ phải chi một số vốn đáng kể cho chỗ ngồi, nội thất và môi trường xung quanh", ông Ian Lin - nhà sáng lập của chuỗi Thai Dynasty, khẳng định.

Ngay cả với một quầy ẩm thực đơn giản, chi phí ban đầu cũng phải bao gồm quầy bếp đối diện với khách (customer-facing counter), bảng hiệu và menu. "Đừng đánh giá thấp các khoản chi phí đó", ông Lin lưu ý.

Ông Lin nhận định mô hình bếp chung giúp các chủ nhà hàng tiết kiệm chi phí nhân lực. "Thật khó để tìm nhân viên phục vụ tại Singapore, do đó giảm bớt các khoản vận hành này cũng là một lợi ích vô hình khi hoạt động ở mô hình bếp chung", ông nói thêm.

Ngành F&B của Singapore không chỉ chịu áp lực tiền thuê mặt bằng cao mà còn thiếu hụt lao động. GrabKitchen có thể giúp người kinh doanh giảm bớt khó khăn, chi phí khởi nghiệp và hạn chế nhu cầu tương tác trực tiếp với khách hàng.

Bếp chung GrabKitchen là ván bài mà siêu ứng dụng Grab đặt cược lớn

Ông Dilip Roussenaly - Giám đốc GrabFood Singapore, nói rằng GrabKitchen còn mang đến một lợi ích khác: một phương án ít tốn kém để thử nghiệm những trào lưu mới. Phát ngôn viên của Grab còn cho biết thêm, với các dụng cụ cơ bản trong khu bếp chung, chủ nhà hàng có thể tập trung vào nấu ăn.

GrabKitchen là một phần trong chiến lược mở rộng mảng kinh doanh ẩm thực của kì lân khởi nghiệp Singapore.

Theo Grab, trong tháng 12 năm ngoái, người dùng ở 7 quốc gia mà GrabFood đang hoạt động đã chi hơn 420% vào dịch vụ giao đồ ăn so với cùng kì năm trước. Ngoài ra, số lượng người dùng dịch vụ GrabFood cũng tăng gấp ba trong thời gian đó.

Ngoài ra, biên lợi nhuận trên từng khách hàng của GrabFood lớn hơn nhiều so với dịch vụ đặt xe. Grab thu 30 - 35% hoa hồng từ mỗi khách hàng cho dịch vụ GrabFood, cao hơn mức hoa hồng 20% của dịch vụ đặt xe.

Quan trọng hơn, một số chủ nhà hàng "sẵn sàng chi đậm" để quảng bá thương hiệu của họ trên ứng dụng Grab, ông Lim Kell Jay - Giám đốc GrabFood khu vực Đông Nam Á, chỉ ra.

Theo ông Lim, dịch vụ giao đồ ăn GrabFood giúp Grab nhanh chóng thu được lợi nhuận hơn.

Nikkei đưa tin, thời gian tới Grab sẽ xây dựng bếp chung GrabKitchen ở Manila, từ đó, mô hình này sẽ có mặt ở 5 quốc gia Đông Nam Á.

Mô hình bếp chung tại châu Á chịu sự dẫn dắt của kì lân Rebel Foods và chuỗi Panda Selected của Trung Quốc. Grab cũng không hề đơn độc trong hành trình đưa khái niệm bếp chung đến Đông Nam Á.

Đối thủ lớn nhất của Grab tại khu vực - Gojek, cũng đã đầu tư vào Rebel Foods. Gojek và Rebel Foods đã tuyên bố họ sẽ mở 100 bếp chung tại Indonesia trong 18 tháng tới.

Khả Nhân