|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

GrabKitchen tiếp tục mở rộng thị trường tại Việt Nam, Thái Lan

11:01 | 09/10/2019
Chia sẻ
Với mục tiêu trở thành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất trong khu vực, Grab đang lên kế hoạch mở rộng mô hình bếp chung GrabKitchen tại các thị trường bên ngoài Indonesia.

GrabFood sẽ tiếp tục triển khai mở rộng mô hình GrabKitchen ra ngoài biên giới Indonesia, theo Techinasia. Hiện tại Grab đã triển khai mô hình bếp chung ở Bangkok, Thái Lan và TP HCM. Theo dự kiến, công ty sẽ tiếp tục hướng tới thị trường Singapore và Philippines.

Phía Grab cho hay, đợt triển khai GrabKitchen tại Thái Lan và Việt Nam sẽ biến họ trở thành chuỗi bếp chung lớn nhất tại Đông Nam Á, với 20 nhà bếp.

Chỉ trong một năm từ tháng 6/2018 tới tháng 6/2019, GrabFood tiết lộ tổng doanh thu gộp đã tăng tới 900%, trong khi đó số lượng đơn hàng giao đã tăng gấp 7 lần trong cùng thời gian khảo sát ở 6 thị trường khác nhau.

42274507_987428151457461_1620875474454446080_o

Với GrabKitchen, GrabFood đang muốn trở thành ứng dụng giao đồ ăn lớn nhất khu vực. Ảnh: Techinasia

"GrabKitchen sẽ là giải pháp để có thể mở rộng qui mô và tăng trưởng nhanh chóng. Ngoài ra khách hàng có thể có cơ hội trải nghiệm dịch vụ và thưởng thức đa dạng các món ăn", Lim Kell Jay, Giám đốc GrabFood phát biểu.

Bên cạnh đó, Lin Kell Jay còn nhận định GrabKitchen đang đứng trước cơ hội cực kì lớn. Với thành công ở Indonesia, GrabFood dự kiến sẽ nhanh chóng mở rộng thị trường ra nhiều nước trong khu vực trong vòng vài tháng tới. 

Cụ thể hơn, tới cuối năm 2019, công ty dự kiến mở một hệ thống bếp chung bồm 50 bếp GrabKitchen trải trên khắp 5 nước tại Đông Nam Á. Mục tiêu của GrabFood là trở thành nền tảng giao thực phẩm lớn nhất trong khu vực. Hiện tại, GrabFood đã hoạt động ở 221 thành phố và 6 quốc gia.

GrabFood cung cấp danh mục gồm nhiều loại đồ ăn khác nhau dựa trên lịch sử gọi đồ ăn trong quá khứ để khách hàng lựa chọn. Với mô hình bếp chung GrabKitchen, cả GrabFood và khách hàng đều hưởng sự tiện lợi.

Các bếp chung sẽ nằm ở những vị trí chiến lược nhất dựa trên lịch sử đặt hàng để có thể thu hút một lượng khách hàng tốt nhất. Ngoài ra, thời gian giao hàng sẽ giảm tối đa, giúp khách hàng có thể thưởng thức món ăn với trải nghiệm tốt nhất.

BlackGarlic-KitchenArea02

GrabKitchen đã thử nghiệm thành công ở Indonesia trước khi hướng ra khu vực. Ảnh: Techinasia

Đối với các đơn vị cung cấp thực phẩm, nhà hàng cỡ nhỏ hoặc siêu nhỏ, đây sẽ là một cơ hội rất tốt để giúp khách hàng biết đến sản phẩm của họ. Đặc biệt với những nhà hàng không có mặt bằng tốt nhưng lại nằm trong khu dân cư có trình độ và khả năng sử dụng công nghệ tốt.

Với việc chỉ vận hành dịch vụ giao hàng, mô hình bếp chung sẽ giảm thiểu tối đa các chi phí vận hành, trong đó chi phí thuê địa điểm giảm nhiều nhất. Với một công ty hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm, đây là một chi phí rất lớn.

Ý tưởng về mô hình bếp chung được triển khai lần đầu tại Indonesia vào tháng 4/2019 và đã đạt những thành công nhất định. Sau đó Grab triển khai GrabKitchen tại Capital Place, Jakarta để phục vụ bữa tối cho những cư dân địa phương và người lao động văn phòng vào tháng 9/2019.


Lê Quý