|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Công nghệ phía sau tổng giá trị giao dịch 5,9 tỷ USD năm 2020 của GrabFood

16:24 | 10/03/2021
Chia sẻ
Grab mới đây đã cung cấp những thông tin đằng sau hậu trường của việc vận hành một nền tảng giao đồ ăn tầm cỡ khu vực.
Công nghệ của GrabFood phía sau doanh số ước tính 5,9 tỷ USD năm 2020 - Ảnh 1.

Công nghệ của GrabFood phía sau doanh số ước tính 5,9 tỷ USD năm 2020. (Ảnh: GrabFood).

GrabFood là một dịch vụ giao nhận thức ăn do Grab ra mắt năm 2019. Theo một báo cáo của Momentum Works, tổng giá trị giao dịch mảng giao đồ ăn của ứng dụng này đã đạt mốc 5,9 tỷ USD.

Grab mới đây đã cung cấp những thông tin đằng sau hậu trường của việc vận hành một nền tảng giao đồ ăn tầm cỡ khu vực.

Theo đó, trong quá trình xây dựng nền tảng công nghệ cho dịch vụ giao đồ ăn, GrabFood tối ưu hóa các mục tiêu chính, bao gồm: Địa phương hóa trải nghiệm; Thoả mãn thực khách và duy trì nhu cầu liên tục cho các đối tác nhà hàng; Đảm bảo trải nghiệm của thực khách trong giờ cao điểm.

Để địa phương hóa trải nghiệm theo từng quốc gia, trang chủ GrabFood tùy chỉnh để làm nổi bật các nội dung phù hợp với thị hiếu của từng người dùng thông qua thói quen đặt hàng của họ. Tương tự, nội dung trên banner quảng cáo và các chuyên mục cũng có thể tùy chỉnh.

Công nghệ của GrabFood phía sau doanh số ước tính 5,9 tỷ USD năm 2020 - Ảnh 2.

(Ảnh: Grab).

Về hệ thống gợi ý các lựa chọn tương tự, nếu món ăn hay nhà hàng mà người dùng tìm kiếm tạm thời không khả dụng hoặc có ít hơn 4 lựa chọn, ứng dụng sẽ tìm kiếm những nhà hàng khác có các món trong menu tương tự với từ khóa tìm kiếm. Tính năng này được xây dựng với công nghệ học máy.

Công nghệ của GrabFood phía sau doanh số ước tính 5,9 tỷ USD năm 2020 - Ảnh 3.

(Ảnh: Grab).

Bên cạnh đó, hệ thống cũng cá nhân hóa trải nghiệm người dùng bằng cách sắp xếp thứ tự xếp hạng quán ăn bằng cách đưa ra những gợi ý được cá nhân hoá dựa trên sở thích của người dùng.

Các gợi ý được sắp xếp dựa trên thuật toán xếp hạng tích hợp nhiều yếu tố như độ phổ biến của nhà hàng, thời gian giao hàng dự kiến (ETA), mức độ phủ sóng của đối tác tài xế, lịch sử tìm kiếm và đặt hàng (ví dụ: món ăn, mức chi tiêu, món ăn yêu thích)... Các quán ăn phù hợp với hồ sơ người dùng nhất sẽ được hiển thị đầu tiên.

Đồng thời, hệ thống cũng cá nhân hóa trải nghiệm người dùng theo thời gian thực thông qua phần "Gợi ý" trên trang chủ của GrabFood.

Về các hình thức đặt hàng, người dùng hiện có thể đặt món với 5 hình thức trên ứng dụng, gồm: Giao hàng theo nhu cầu; Đơn hàng tự phục vụ; Giao hàng hẹn giờ; Đơn hàng theo nhóm; Đơn hàng phối trộn nhiều cửa hàng. Trong đó, tại Việt Nam, đơn hàng tự phục vụ và đơn hàng phối trộn nhiều cửa hàng chỉ có ở GrabKitchen.

Công nghệ của GrabFood phía sau doanh số ước tính 5,9 tỷ USD năm 2020 - Ảnh 4.

(Ảnh: Grab).

Đối với các đối tác nhà hàng, Grab phát triển các công nghệ giúp hoàn thành đơn hàng hiệu quả và liền mạch hơn bằng cách phát triển một nền tảng, tích hợp từ hơn 10 hệ thống được kết nối với nhau.

Điều này giúp cung cấp cái nhìn toàn cảnh về các đơn hàng kế tiếp, bất kể mọi hình thức giao hàng, cho phép các đối tác nhà hàng cập nhật thông tin quán ăn.

Grab cũng đã phát triển tính năng tích hợp điểm bán (POS) dành cho các đối tác nhà hàng, cho phép kết nối hệ thống POS của nhà hàng với ứng dụng GrabMerchant.

Các đơn hàng GrabFood sẽ tự động được nhập vào ứng dụng GrabMerchant lẫn POS của nhà hàng. Khi đối tác nhà hàng cập nhật menu trong hệ thống POS của mình, thông tin này cũng sẽ tự động được cập nhật trên GrabFood ngay lập tức giúp các nhà hàng tiết kiệm thời gian và cải thiện độ chính xác.

Do có sự khác biệt khi tính toán thời gian giao hàng dự kiến nên Grab đang thử nghiệm các tính năng khác nhau để khuyến khích các đối tác nhà hàng chuẩn bị đơn hàng ngay sau khi nhận đơn. Theo Grab, các tài xế phải đợi nhà hàng chuẩn bị đơn hàng trung bình từ 6 đến 11 phút, thói quen chuẩn bị đơn hàng rất khác nhau ở mỗi thị trường.

Công nghệ của GrabFood phía sau doanh số ước tính 5,9 tỷ USD năm 2020 - Ảnh 5.

(Ảnh: Grab).

Cuối cùng là tối ưu hóa phương tiện về tính năng ghép đơn và giảm bán kính tìm kiếm. Theo đó, với tính năng ghép các đơn hàng, hệ thống sẽ ghép hai hoặc nhiều hơn các đơn hàng có địa điểm nhận hàng hoặc giao hàng gần nhau để đối tác tài xế hoàn thành chỉ trong một chuyến đi.

Trong giờ cao điểm, số lượng đơn hàng rất cao trong khi số lượng đối tác tài xế tại một số khu vực không đủ đáp ứng, dẫn đến việc khách hàng thường phải chờ đợi rất lâu để có đối tác tài xế nhận đơn hoặc đơn hàng bị hủy.

Grab cải thiện điều này bằng cách tự động giảm bán kính giao hàng nếu nhận thấy tỷ lệ phân bổ đối tác tài xế và tỷ lệ hoàn thành đơn hàng giảm mạnh. Hệ thống sẽ hoạt động cho đến khi tỷ lệ hoàn thành đơn hàng trở nên ổn định và có nhiều đối tác tài xế ở khu vực này hơn.

Tường Vy