Bếp chung GrabKitchen vừa được thử nghiệm tại Việt Nam thành công ra sao ở Indonesia?
Khu bếp "trên mây"
Grab mới đây đã thử nghiệm mô hình bếp chung GrabKitchen tại Việt Nam tại một khu vực thuộc quận Thủ Đức, TP HCM.
Hiểu một cách đơn giản, GrabKitchen sẽ "gom" các nhà hàng, quán ăn có lượng đặt hàng cao trên Grab về một địa điểm tập trung với nhiều hỗ trợ về địa điểm và cơ sở vật chất.
Với mô hình này, Grab kì vọng có thể giúp tiết kiệm thời gian giao hàng đến người dùng cuối, đảm bảo chất lượng thực phẩm trong khi đó cũng có thể tài xế có thể thực hiện nhiều chuyến xe hơn trong cùng một thời gian. Các nhà hàng cũng được hưởng lợi khi có thể tiếp cận với những khách hàng mới.
Thực tế, Việt Nam là thị trường thứ hai Grab áp dụng mô hình GrabKitchen. Trước đó, startup kì lân trong lĩnh vực gọi xe đã vận hành GrabKitchen tại Indonesia từ tháng 9 năm ngoái.
Thời điểm đó, bà Demi Yu, người đứng đầu GrabFood Indonesia, chia sẻ rằng GrabKitchen là một cách vận hành với rủi ro thấp cho các đối tác nhà hàng, quán ăn, đặc biệt với những hàng quán nằm xa khu vực trung tâm.
Hiện nay, hầu hết khu bếp cung của Grab tại Indonesia đều nằm ở tại thủ đô Jakarta.
Trái ngọt ở thị trường đầy cạnh tranh Indonesia
GrabFood đang lên kế hoạch triển khai tới 50 khu bếp chung GrabKitchen tại Indonesia cho tới thời điểm cuối năm nay, theo TechinAsia.
Ichmeralda Rachman, giám đốc marketing GrabFood tại Grab Indonesia, cho biết mô hình GrabKitchen đang đón nhận tốc độ tăng trưởng tổng giá trị giao dịch (GMV) lên tới 25 lần kể từ khi khu bếp chung đầu tiên đi vào vận hành. Số lượng GrabKitchen tại Indonesia hiện dừng lại ở 10 địa điểm.
Một gian GrabKitchen tại thủ đô Jakarta. (Nguồn: Grab)
"Nguồn tăng trưởng của chúng tôi sẽ do GrabKitchen thúc đẩy trong nửa sau của năm 2019. Không dễ để chọn địa điểm lí tưởng cho GrabKitchen, vì thế chúng tôi dùng dữ liệu để hiểu hơn về nhu cầu ăn uống", Rachman chia sẻ trong lễ ra mắt GrabKitchen thứ 10 mới đây ở Indonesia.
Tại Indonesia, Rachman nhấn mạnh GrabFood đã có gần 50% thị phần giao đồ ăn trong nửa đầu năm 2019, tăng đáng kể so với con số 15% thị phần đầu năm 2018. Tổng giá trị giao dịch của GrabFood cũng tăng 3 lần trong cùng kì.
Grab lên kế hoạch trở thành dịch vụ giao đồ ăn hàng đầu ở Indonesia vào cuối quý III năm nay. Song kế hoạch trên sẽ vấp phải sự cạnh tranh mạnh mẽ của GoJek. Điều đáng nói là GrabKitchen ở Indonesia không chỉ là mô hình bếp chung đơn thuần mà sẽ còn là nơi khách hàng có thể ăn uống tại chỗ.
"Đây là thử nghiệm của chúng tôi với mô hình mới", Sai Alluri, người đứng đầu GrabKitchen tại Indonesia, chia sẻ. "Chúng tôi sẽ quan sát phản ứng thị trường và lên kế hoạch triển khai mô hình ăn tại chỗ trong năm nay".
(Nguồn: Grab Indonesia)