Grab hủy chương trình ứng tiền mặt với tài xế và đối tác giao đồ ăn
Tháng 11/2019, chương trình ứng tiền trước của Grab đã trở thành một chủ đề gây tranh cãi.
Chương trình bắt đầu từ năm 2018, cho phép tài xế và đối tác giao hàng tại một số thị trường có thể nhận trước một khoản tạm ứng và trả lại Grab trong vòng tối đa 26 tuần, theo KrAsia.
Đối tác của Grab sẽ không phải trả lãi suất. Thay vào đó, họ trả một mức phí quản lí, dao động từ 5% đến 10% số tiền ứng trước.
Mục đích của chương trình là hỗ trợ các tài xế và đối tác có thể có thêm một khoản tiền để trang trải các chi phí khẩn thiết ở thời điểm ứng. Tuy nhiên, chương trình này đã bị Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân lực Quốc hội Singapore để mắt. Ngoài ra, bộ tư pháp Singapore cũng vào cuộc.
Bộ Tư pháp Singapore tuyên bố họ đang tìm những thông tin bổ sung, đồng thời làm việc với các bên liên quan để thực thi luật pháp hiện hành.
Ông K Shanmugam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhấn mạnh với các tài xế Grab rằng hãy xem xét kĩ các điều kiện của Chương trình ứng tiền và tự đánh giá khả năng tài chính của mình trước khi tham gia.
Mới nhất, tờ Strait Times của Singapore đưa tin Chương trình ứng tiền mặt của Grab chính thức bị hủy.
"Để phù hợp với chiến lược phát triển cũng như cam kết phục vụ tốt nhất tới đối tác, chúng tôi quyết định dừng chương trình ứng tiền mặt đối với tài xế. Công ty cũng sẽ có những cải tiến để đáp ứng một cách tốt hơn tới các nhu cầu của các đối tác", Grab tuyên bố.
Ngoài ra, công ty không tiết lộ thêm về lí do chấm dứt chương trình ứng tiền mặt.
Về chương trình ứng tiền, một số tài xế cho rằng đây là chương trình khá hữu ích và không có vấn đề gì về mức phí bổ sung và các điều khoản hoàn tiền. Grab cho biết 98% số tài xế từng tham gia chương trình này đảm bảo đủ khả năng trả lại tiền cho công ty.
Bộ Tư pháp của Singapore cho biết các công ty cần phải có trách nhiệm và đảm bảo các dịch vụ cung cấp là hợp pháp. Cụ thể hơn, các công ty cần có giấy phép kinh doanh dịch vụ tài chính nếu thật sự cung cấp dịch vụ cho vay.