|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Grab sẽ tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam theo qui định của pháp luật

08:56 | 18/02/2020
Chia sẻ
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải thông báo ngừng thí điểm kinh doanh taxi công nghệ từ ngày 1/4, Grab Việt Nam khẳng định họ sẽ tiếp tục kinh doanh ở Việt Nam và đang nghiên cứu để tìm ra lựa chọn tốt nhất.

Đại diện của Grab Việt Nam khẳng định công ty sẽ tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam theo qui định của pháp luật sau thông báo của Bộ Giao thông Vận tải.

Grab chỉ ra rằng, theo Công văn số 1755/VPCP-CN ngày 23/2/2018 của Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng (theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1850/TTg-KTN) đến khi Nghị định qui định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô (thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP) được ban hành và có hiệu lực thi hành.

Ngày 17/1, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 10/2020/NĐ-CP về vận tải và điều kiện kinh doanh vận tải, có hiệu lực vào ngày 1/4. 

Quyết định 146 thông báo về việc hết hiệu lực của Đề án thí điểm, vì vậy, là một hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước và không ảnh hưởng đến hoạt động của Grab trên thị trường. 

"Hiện nay, Grab đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng có liên quan để triển khai các quy định của Nghị định 10 một cách nghiêm túc, đúng pháp luật", Grab khẳng định.

Phía Grab đang nghiên cứu để tìm ra lựa chọn tốt nhất cho mô hình hoạt động của công ty, đồng thời tích cực làm việc với các cơ quan chức năng để tìm hiểu kỹ hơn về các quy định của pháp luật dành cho mô hình hoạt động đó. 

"Dù lựa chọn phương án nào thì tuân thủ pháp luật và đảm bảo tối đa quyền lợi của khách hàng, đối tác tài xế, hướng đến sự phát triển của cộng đồng luôn là tôn chỉ hoạt động mà Grab hướng đến", Grab nhấn mạnh.

Chương trình thí điểm kinh doanh taxi công nghệ (Grab, Vato, Emdi, FastGo) theo Quyết định 24 năm 2016 của Bộ GTVT sẽ dừng từ ngày 1/4/2020.

Thay vào đó, các hình thức kinh doanh này sẽ chuyển sang áp dụng theo Nghị định 10/2020 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/4 (thay thế Nghị định 86/2014). 

Grab sẽ tiếp tục kinh doanh tại Việt Nam theo qui định của pháp luật - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp thí điểm kinh doanh “taxi công nghệ” dừng hoạt động từ ngày 1/4. Ảnh: Tiền Phong

Mọi xe kinh doanh vận tải hành khách dưới 9 chỗ được xác định là taxi. Những xe này có quyền lựa chọn gắn “mào” taxi trên nóc xe; hoặc phải dán chữ “XE TAXI” bằng vật liệu phản quang trên kính trước và kính sau xe.

Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT các địa phương, gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa hướng dẫn, yêu cầu các doanh nghiệp thí điểm kinh doanh “taxi công nghệ” dừng hoạt động từ ngày 1/4. 

Các doanh nghiệp cung cấp phần mềm hỗ trợ kết nối vận tải đang thí điểm, các doanh nghiệp đang liên kết phương tiện chủ động lựa chọn hình thức kinh doanh phù hợp theo Nghị định 10.

Trường hợp xe dưới 9 chỗ đang thí điểm là xe hợp đồng, kể từ 1/4, nếu tiếp tục hoạt động là xe hợp đồng phải cấp lại phù hiệu và dán lên kính xe, thực hiện xong trước ngày 1/7/2020. Trường hợp có nhu cầu chuyển sang xe taxi, phải thực hiện cấp lại phù hiệu theo Nghị định 10/2020.

Cửu Dương