Cụm liên kết ngành là gì? Các mô hình cụm liên kết ngành phổ biến
Cụm liên kết ngành
Cụm liên kết ngành là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp, tổ chức có liên quan cùng hợp tác và cạnh tranh. (Theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017)
Các mô hình cụm liên kết ngành phổ biến trên thế giới
Thực tiễn thế giới cho thấy, việc phát triển một mạng lưới cụm liên kết ngành hữu hiệu sẽ tạo điều kiện giúp tăng năng lực cạnh tranh; nâng cao trình độ công nghệ trong nước, phát triển và chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương; đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, tạo việc làm và giải quyết các vấn đề phát triển kinh tế - xã hội khác.
Cụm liên kết ngành được phân loại theo 2 tiêu chí:
Phân loại theo tính chất ngành
Cụm ngành công nghệ khoa học kĩ thuật cao; Cụm ngành công nghiệp thông thường; Cụm ngành công nghiệp truyền thống.
Phân loại theo mô hình tổ chức
1. Cụm liên kết mạng: Đây là cụm tập hợp nhiều doanh nghiệp (DN) trong nước có qui mô nhỏ, liên hệ, trao đổi, hợp tác với nhau theo nhu cầu, người lao động thường di chuyển qua lại giữa các DN trong cụm.
2. Cụm ngành trục bánh xe và nan hoa: Là cụm ngành bị chi phối bởi một hay một vài DN lớn (đóng vai trò trục bánh xe) có các nhà cung cấp hay các DN liên quan với qui mô nhỏ hơn ở xung quanh (các nan hoa).
3. Cụm ngành vệ tinh: Là cụm ngành bao gồm tập hợp các DN chi nhánh có liên kết tổ chức bên ngoài, hay nói cách khác là "vệ tinh" cho các DN mẹ ở nước ngoài. Ở mô hình này, mối liên kết giữa các công ty thành viên của cụm là mờ nhạt, nhưng chúng cùng qui tụ với nhau tại một vùng lãnh thổ.
4. Cụm chính phủ chủ đạo: Cụm loại này lấy khu vực nhà nước làm trung tâm, tức là, bị chi phối bới các tổ chức công, cơ quan chính phủ hay các đơn vị hoạt động phi lợi nhuận (các viện R&D, các trường đại học, căn cứ quân sự...). (Theo PGS.TS Nguyễn Đình Tài, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế - Xã hội và Quản lý Doanh nghiệp)
Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành
Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia liên kết ngành được hỗ trợ nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Tạo ra sản phẩm có lợi thế cạnh tranh về chất lượng và giá thành;
b) Có đổi mới sáng tạo về qui trình công nghệ, vật liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị. (Theo Luật Số: 04/2017/QH14)