CPTPP: Thủ tục chứng nhận xuất xứ mặt hàng dệt may
Giấy chứng nhận xuất xứ
Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khác với một số FTA khác của Việt Nam, Hiệp định CPTPP không bắt buộc các chứng nhận xuất xứ phải theo một mẫu cố định nào.
Tuy nhiên, CPTPP yêu cầu nội dung của chứng nhận xuất xứ phải bao gồm các thông tin tối thiểu như qui định trong Phụ lục B, Chương 3 của Hiệp định. Giấy chứng nhận xuất xứ có thể được làm dưới dạng văn bản hoặc điện tử.
Mẫu C/O CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo qui định tại Hiệp định CPTPP đã được ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 22/1/2019.
Thủ tục chứng nhận xuất xứ
Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, CPTPP yêu cầu áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ, trong đó đối tượng được tự chứng nhận xuất xứ bao gồm cả người nhập khẩu, người xuất khẩu và người sản xuất, được đánh giá là một cơ chế linh hoạt và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong quá trình xuất khẩu.
Tuy nhiên, với bảo lưu trong CPTPP, Việt Nam không bắt buộc phải áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, cụ thể:
- Đối với hàng nhập khẩu, Việt Nam (và Brunei, Malaysia, Mexico, Peru) được phép bảo lưu chưa phải áp dụng hình thức nhà nhập khẩu tự chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực.
- Đối với hàng xuất khẩu, các nước (trong đó có Việt Nam) có thể áp dụng song song hai hình thức cấp giấy chứng nhận xuất xứ trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực (và có thể gia hạn thêm 5 năm nữa): cấp Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) theo kiểu truyền thống và; người xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ.
Sau thời gian 10 năm này, sẽ áp dụng tự chứng nhận xuất xứ hoàn toàn như các nước.
Miễn chứng nhận xuất xứ
CPTPP qui định đối với các hàng hóa xuất khẩu từ các nước CPTPP có giá trị hải quan không vượt quá 1.000 USD, thì sẽ không cần giấy chứng nhận xuất xứ mà vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan của Hiệp định.
Đây là mức “miễn chứng nhận xuất xứ” tương đối cao so với các FTA khác của Việt Nam. Cụ thể, hầu hết các FTA đã kí của Việt Nam cũng có qui định này, nhưng thường đối với hàng hóa có giá trị hải quan thấp hơn, ví dụ như VKFTA là 600 USD, và các FTA còn lại là 200 USD.
Nhiều lô hàng chung một giấy chứng nhận xuất xứ
Trường hợp này được chấp nhận nếu xuất khẩu nhiều lần (nhiều lô hàng) cùng một hàng hóa và trong giấy chứng nhận xuất xứ có nêu cụ thể về khoảng thời gian xuất khẩu nhiều lần đó - khoảng thời gian này không được vượt quá 12 tháng.