|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

CPTPP: Cam kết về lao động ngành dệt may

06:10 | 10/09/2020
Chia sẻ
CPTPP có một Chương riêng về lao động với các cam kết liên quan tới các quyền cơ bản của người lao động, điều kiện lao động, xu hướng về tiêu chuẩn lao động.

Theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dệt may lại là ngành có một số đặc thù về lao động và điều kiện lao động, đặc biệt sử dụng nhiều lao động nữ, với các đặc thù về thể chất, sức khỏe, điều kiện làm việc.

Môi trường lao động có nhiều yếu tố nguy hại tới sức khỏe (tiếng ồn lớn, thường xuyên; nhiều bụi; khí nóng; có trường hợp sử dụng hóa chất…).

Điều kiện làm việc tương đối đặc thù (tư thế lao động gò bó, dễ mắc các bệnh nghề nghiệp liên quan tới vận động cổ tay/ngón tay...).

Vì vậy, suy đoán là các cam kết của Hiệp định CPTPP về lao động sẽ có tác động nhất định tới ngành dệt may, chủ yếu là theo hướng gián tiếp (do CPTPP không có cam kết về bất kỳ tiêu chuẩn lao động cụ thể nào).

CPTPP: Cam kết về lao động ngành dệt may - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: freepik)

Dưới đây là một số tóm tắt các cam kết về lao động của CPTPP có thể ảnh hưởng tới ngành dệt may:

1. Nhóm cam kết về nguyên tắc, điều kiện lao động

CPTPP yêu cầu các nước Thành viên phải bảo đảm thông qua, duy trì và thực thi các qui định pháp luật về các nguyên tắc liên quan tới lao động thuộc hai nhóm sau:

Nhóm các nguyên tắc lao động cơ bản trong Tuyên bố của ILO năm 1998, bao gồm:

- Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động.

- Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc.

- Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất.

- Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.

Liên quan tới 4 nhóm nguyên tắc cơ bản này, ngoại trừ vấn đề quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, các nguyên tắc khác cơ bản đã được thể hiện ở các mức độ khác nhau trong pháp luật lao động Việt Nam hiện hành. 

Do đó, sẽ không tạo ra tác động hay thay đổi quá lớn nào với các doanh nghiệp ngành dệt may. 

Về vấn đề quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động, đây là cam kết mới, chưa từng có trong pháp luật và thực tiễn Việt Nam, và hiện đang được bổ sung vào Bộ luật Lao động sửa đổi 2019. 

Vì vậy, việc thực thi cam kết này sẽ tạo ra thay đổi đáng kể trong thông lệ ứng xử giữa doanh nghiệp với người lao động trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là trong ngành dệt may nơi sử dụng số lượng lớn người lao động (và do đó khả năng có nhiều hơn một tổ chức đại diện người lao động trong cơ sở là lớn hơn), ví dụ:

- Thay đổi trong cơ chế, cách thức thông tin, trao đổi, thương lượng, giải quyết vướng mắc giữa người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện người lao động khác nhau tại cùng một cơ sở sản xuất, kinh doanh.

- Thay đổi trong phân bố chi phí mà doanh nghiệp phải chịu liên quan tới hoạt động đại diện người lao động/công đoàn.

Nhóm các nguyên tắc về “điều kiện lao động chấp nhận được”

Nhóm này bao gồm các cam kết về việc bảo đảm “các điều kiện lao động chấp nhận được” về lương tối thiểu, giờ làm việc, các vấn đề về an toàn lao động và sức khỏe của người lao động.

CPTPP không có định nghĩa hay tiêu chuẩn cụ thể nào về “các điều kiện lao động chấp nhận được”. Vì vậy cơ bản các cam kết này sẽ không tạo ra tác động thay đổi quá lớn trong pháp luật Việt Nam liên quan tới các điều kiện lao động.

Ngoài ra, dệt may là ngành sản xuất xuất khẩu truyền thống, các doanh nghiệp xuất khẩu đã có khá nhiều kinh nghiệm trong đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu cao về lao động và môi trường lao động của khách hàng nước ngoài. 

Do đó, ít nhất là đối với nhóm doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, dự kiến sẽ không gặp khó khăn gì lớn trong đáp ứng các yêu cầu pháp luật mới, nếu có, liên quan tới thực hiện các cam kết này của CPTPP.

2. Nhóm cam kết về các định hướng chính sách liên quan tới lao động

CPTPP yêu cầu các nước Thành viên bảo đảm các định hướng sau trong xây dựng, thực thi pháp luật, chính sách về lao động:

- Không khuyến khích thương mại hoặc đầu tư bằng cách làm suy yếu hoặc hạ thấp những biện pháp bảo vệ trong pháp luật lao động.

- Không từ chối thực thi pháp luật lao động theo cách làm ảnh hưởng đến thương mại hoặc đầu tư giữa các nước Thành viên.

Bảo lưu của Việt Nam về các cam kết Chương lao động trong CPTPP

Việt Nam đã đạt được thỏa thuận với các nước CPTPP (tại các Thư song phương) về các nội dung sau:

- Việt Nam phải thực hiện ngay các nghĩa vụ trong Chương lao động ngay khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam.

- Trong vòng ba năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, các nước cam kết không áp dụng trừng phạt thương mại đối với Việt Nam nếu họ có khiếu kiện Việt Nam theo Cơ chế giải quyết tranh chấp cấp Nhà nước trong CPTPP về việc vi phạm nghĩa vụ Chương lao động.

- Liên quan tới các nghĩa vụ về tự do liên kết và công nhận một cách thực chất quyền thương lượng tập thể, trường hợp có khiếu kiện Việt Nam, các nước cam kết:

+ Trong vòng 5 năm kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam: Không sử dụng tới các biện pháp ngừng nhượng bộ trong CPTPP.

+ Trong vòng từ năm thứ 5 đến năm thứ 7 kể từ khi CPTPP có hiệu lực với Việt Nam: Sẽ xem xét việc có áp dụng biện pháp trừng phạt thương mại không trong khuôn khổ Hội đồng lao động của CPTPP.