|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Việt Nam là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ ba vào thị trường Canada

21:45 | 16/01/2024
Chia sẻ
Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu dệt may lớn thứ ba vào thị trường Canada, với thị phần khoảng 12%.

Đây là thành công bước đầu có được nhờ việc nhiều doanh nghiệp đã để ý tới nguồn gốc xuất xứ vật liệu theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).  

Tuy nhiên, để phát triển hơn nữa, dệt may Việt Nam vẫn cần một thỏa thuận song phương hoặc một hiệp định thương mại tự do để giảm thuế xuất khẩu khi đi vào thị trường này.

Tại triển lãm dệt may gần đây ở Canada, Vietnam Export Garment (VEG) trở thành một trong hai doanh nghiệp của Việt Nam khẳng định được lợi thế do có đủ năng lực sản xuất vải sợi thỏa mãn nguyên tắc xuất xứ của CPTPP.

VEG đã có trên 20 kinh nghiệm trong lĩnh vực dệt may, với các sản phẩm chủ lực là áo phông họa tiết, quần áo trẻ em và đồ bảo hộ lao động. Các sản phẩm này đều sử dụng vật liệu sợi cao cấp do công ty tự nghiên cứu phát triển, qua đó có thể kiểm soát được chất lượng theo yêu cầu thị trường.

Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh nhận xét tại sự kiện lần này, VEG và công ty Thái Sơn là hai trường hợp điển hình của Việt Nam có thể tự sản xuất được vải sợi cho sản phẩm của mình.

Tuy nhiên, tỷ lệ khai thác CPTPP thông qua nội địa hóa vật liệu của các doanh nghiệp trong nước còn rất thấp, chỉ khoảng 50%. Thương vụ đang hướng tới việc làm thế nào để hướng dẫn các doanh nghiệp có những định hướng rõ hơn về chiến lược đầu tư và logistics trong kết nối chuỗi các nước cùng có CPTPP nhằm khai thác tốt hơn hiệp định này.

Thời gian qua, VEG đã thực hiện chiến lược đầu tư bài bản cho sản phẩm áo thun phản quang để bổ sung vào mặt hàng đồ bảo hộ lao động nhằm mở rộng tại thị trường Bắc Mỹ. Công ty hiện đã có 5 cơ sở trên khắp nước Mỹ và đang hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để mở thêm một địa điểm mới tại Canada.

Giám đốc Nguyễn Quang Minh của VEG chia sẻ năm 2023, công ty đã xuất khẩu vào thị trường Mỹ số lượng hàng hóa trị giá gần 10 triệu USD. Trong năm nay, công ty sẽ mở thêm cơ sở tại Canada và phát triển mạnh tại thị trường này.

Đây là thị trường được chính phủ tạo điều kiện ưu đãi về thuế để các doanh nghiệp trong ngành dệt may mạnh dạn đầu tư. Canada được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng và doanh nghiệp này hy vọng sẽ kết nối được với nhiều đối tác nhờ có đủ khả năng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ vật liệu và chất lượng sản phẩm, cũng như giá cả cạnh tranh.

Thực tế, sức tiêu thụ các sản phẩm dệt may ở thị trường Canada là khá lớn, khoảng từ 13 tỷ USD đến 15 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, xuất khẩu dệt may nói chung của Việt Nam vẫn còn rất khiêm tốn do phần lớn doanh nghiệp trong nước chưa tự đảm bảo được khâu xuất xứ vải sợi theo yêu cầu của CPTPP. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN về cơ hội của ngành dệt may Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Canada Bob Kirke cho biết các quy định về dệt may trong CPTPP vẫn còn bất cập, được soạn thảo khi Mỹ tham gia đàm phán.

Hiện nay, dù không còn cơ hội giao dịch với Mỹ, nhưng các nước tham gia hiệp định vẫn mắc kẹt trong những quy tắc đó. Để hóa giải tình huống này phải cần tới một hiệp định thương mại tự do của hai bên.

Khi thông qua CPTPP, Canada cũng đồng thời có những thỏa thuận riêng với Chile và New Zealand để loại bỏ việc áp dụng nguyên tắc xuất xứ vật liệu. Trong số các nước ASEAN, Canada hiện cũng có một thỏa thuận tương tự với Indonesia.

Ông Kirke cho rằng ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và Canada cần phối hợp để kiến nghị chính phủ xem xét lại hiệp định một cách kỹ lưỡng. Theo ông, một thay đổi nhỏ có thể mang lại lợi ích cho cả hai bên hoặc xem xét một hiệp định thương mại tự do riêng biệt. Hai cách làm này đều sẽ giúp các sản phẩm dệt may Việt Nam có nhiều khả năng cạnh tranh hơn.

Ước tính, giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam năm 2023 sẽ tương đương với mức xuất khẩu của năm trước. Do vậy, việc thay đổi nguyên tắc xuất xứ được tin là sẽ mang lại xung lực mới cho xuất khẩu dệt may Việt Nam trong tương lai.

Hà Linh