Ngành dệt may kỳ vọng 2024 sẽ khởi sắc
2023 năm khó khăn chưa từng có với ngành dệt may
“Tôi vào nghề 43 năm, nhưng 2023 là năm đầu tiên tôi cảm thấy khó khăn, thách thức cực kỳ lớn với các doanh nghiệp dệt may.
Đó là những áp lực về đơn hàng, giá, giao hàng, chi phí sản xuất, việc làm cho người lao động, cạnh tranh từ bên ngoài và nội bộ, cơ chế chính sách không theo kịp xu thế và thách thức...”, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) chia sẻ về tình hình chung của ngành dệt may năm 2023.
Suy thoái kinh tế, lạm phát tăng kỷ lục ở các thị trường xuất khẩu trọng điểm của ngành dệt may như Mỹ, EU… đã khiến các doanh nghiệp quy mô từ lớn đến nhỏ, chuỗi giá trị hay gia công đều chịu ảnh hưởng nặng nề.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết những năm trước, May 10 thường nhận những đơn hàng lớn từ các nhãn hàng, một số thời điểm phải đặt gia công từ các doanh nghiệp nhỏ khác.
Tuy nhiên đến năm 2023, suy thoái kinh tế khiến xuất khẩu mặt hàng chủ lực của May 10 là sơ mi sụt giảm mạnh, doanh nghiệp đã có lúc phải nhận lại các đơn hàng từ doanh nghiệp khác. Hàng nào cũng nhận, miễn là có thể duy trì việc làm cho người lao động trong bối cảnh khó khăn.
CEO May 10 nhận định 2023 là một năm đặc biệt theo hướng tiêu cực, doanh nghiệp phải “giật gấu vá vai” các đơn hàng trong suốt 8 tháng năm 2023. Trong những tháng cuối năm, tình hình khả quan hơn, doanh nghiệp có đơn hàng và ở trạng thái “đủ ăn, đủ mặc”.
Đối với May 10, doanh nghiệp có doanh thu trên 4.000 tỷ đồng/năm, 2023 đã là một năm thật nhiều thách thức, thì những doanh nghiệp OEM (đơn vị gia công) cũng vượt qua chẳng dễ dàng.
Trao đổi với người viết, bà Vũ Thị Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc LNK tóm gọn năm 2023 bằng tính từ “buồn”.
“So với giai đoạn dịch COVID-19, 2023 khó khăn hơn nhiều. Trong dịch, đơn hàng của chúng tôi rất nhiều, chỉ khó khăn ở khâu tổ chức sản xuất nhưng điều này doanh nghiệp có thể khắc phục được.
Còn giữa năm 2023, nhu cầu tiêu thụ giảm rất mạnh, khách hàng không có nhu cầu phát triển sản phẩm cho mùa mới”, bà Nhung nói.
Ngoài ra, Giám đốc Công ty LNK cho biết Việt Nam đã ký khoảng 16 hiệp định thương mại tự do nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa tận dụng được triệt để do vướng mắc ở khâu nguyên liệu.
Những khó khăn của doanh nghiệp đã được phản ánh trong bức tranh xuất khẩu ngành dệt may năm 2023. Theo Vitas, ngành dệt may dự kiến về đích với kim ngạch 40,3 tỷ USD, giảm 9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu sang 5 thị trường trọng điểm đều ghi nhận tăng trưởng âm.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2023 sụt giảm so với năm “đỉnh” 2022, tuy nhiên vẫn cao hơn mặt bằng giai đoạn trước 2021. Điều này có thấy ngành vẫn tăng trưởng so với giai đoạn trước COVID-19.
Trong bức tranh màu xám ngành dệt may 2023, một số điểm sáng nhỏ cũng được thắp lên khi doanh nghiệp đã phát triển thêm được một số thị trường, sản phẩm mới. Đây là một trong những động lực cho tăng trưởng năm 2024.
Ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh Việt Nam đã xuất khẩu 36 mặt hàng dệt may sang các thị trường, trong đó có mặt hàng mới và tiềm năng là áo đạo Hồi.
“Không phải ngẫu nhiên hàng dệt may Việt Nam năm 2023 xuất khẩu đến 104 thị trường, vùng lãnh thổ, con số bứt phá so với các năm trước. Chính vì bán hàng sang các thị trường lớn khó khăn, doanh nghiệp phải tìm kiếm, khai phá thêm nhiều đối tác mới đến từ châu Phi, Trung Đông", ông Vũ Đức Giang nói.
2024 vẫn là một năm đáng hy vọng với ngành dệt may
Căn cứ triển vọng phục hồi kinh tế thế giới cùng dự báo tình hình kinh tế Việt Nam, Vitas đưa ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Ông Vũ Đức Giang kỳ vọng dịp lễ Noel và Tết Dương lịch sẽ giải phóng bớt lượng hàng tồn kho, tạo động lực cho ngành trong năm tới.
Bên cạnh đó, tình hình kinh tế tại các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang phục hồi, đơn hàng của doanh nghiệp đang có tín hiệu ấm dần lên.
Bà Vũ Thị Nhung, Giám đốc Công ty LNK cho biết đến giữa tháng 12, doanh nghiệp đã nhận đủ đơn hàng đến quý I/2024. Tuy vậy, tốc độ nhận đơn có chậm hơn so với cùng kỳ những năm trước.
Qua trao đổi với khách hàng EU, thị trường chiếm 75% lượng hàng xuất khẩu của doanh nghiệp, bà Nhung cho biết đối tác đã có ý định chuyển dịch đơn hàng từ những nhà cung cấp khác về Việt Nam.
Giám đốc Công ty LNK cho rằng nếu làn sóng chuyển dịch này có thể thực hiện trong năm 2024, đây sẽ là động lực tăng trưởng lớn cho doanh nghiệp.
Đổi lại, khi xanh hóa đang dần trở thành mệnh lệnh của các ngành công nghiệp, bản thân các doanh nghiệp cũng phải thay đổi, hoàn thiện chuỗi cung ứng để đáp ứng nhu cầu của các đối tác.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công chia sẻ doanh nghiệp đã đủ đơn hàng cho quý I/2024, song vẫn ít hơn so với những năm trước.
Tuy nhiên tình hình có thể cải thiện vào quý II/2024, sớm là tháng 4 và muộn là tháng 6, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cắt giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
“Ngành dệt may có thể sẽ vẫn còn khó khăn trong quý I, đơn hàng chưa phục hồi mạnh. Tuy nhiên tình hình có thể cải thiện hơn từ quý II. Nếu mọi thứ xảy ra như dự báo, 2024 vẫn là một năm đáng để hy vọng cho doanh nghiệp dệt may”, ông Trần Như Tùng nói.