Từ dệt may, da giày đến lắp ráp điện tử và bán dẫn, FDI vào Việt Nam đang chuyển dần từ lượng sang chất?
Sau 35 năm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, nền kinh tế đã có nhiều đổi mới. FDI trở thành một phần không thể thiếu của kinh tế khi đóng góp đến 73,1% kim ngạch xuất khẩu. Từ con số 2 triệu USD năm 1988 đến nay Việt Nam đã thu hút 36.278 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 438,69 tỷ USD.
Thu hút FDI chuyển từ lượng sang chất
Sau những bước đi khởi đầu về thủ tục và thu hút đầu tư. Từ năm 1991, dòng vốn FDI vào Việt Nam bắt đầu tăng nhanh nhờ sự góp mặt của nhiều tập đoàn lớn trong lĩnh vực công nghiệp tìm đến đầu tư như PouChen và Feng Tay (Đài Loan) gia công giày dép, Honda (Nhật Bản) sản xuất xe máy,...
Nhờ sự xuất hiện của các tập đoàn dệt may, da giày lớn Việt Nam trở thành một trong những công xưởng của thế giới trong mặt hàng này. Sự gia nhập của các tập đoàn nước ngoài đã giải quyết vấn đề lao động tạo thu nhập ổn định cho một lượng lớn lao động khi ấy.
Đến nay, kim ngạch xuất khẩu giày dép của khu vực doanh nghiệp FDI vẫn chiếm tới 78,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành. Với dệt may, tỷ lệ nắm giữ của các doanh nghiệp FDI cũng ở mức trên 60%.
Sau dệt may và da giày, ngành thứ hai do FDI đầu tư và sau này đã trở thành trụ cột xuất khẩu của Việt Nam là điện tử. Năm 2006, Việt Nam có những dự án tỷ USD đầu tiên từ nhà sản xuất chip Intel (Mỹ) và tập đoàn thép Posco (Hàn Quốc), thu hút FDI lần đầu vượt 10 tỷ USD.
Lượng vốn đăng ký tiếp tục tăng, lập kỷ lục gần 72 tỷ USD vào năm 2008 khi Samsung - nhà đầu tư FDI lớn nhất hiện nay bắt đầu đầu tư vào Việt Nam bằng việc xây dựng nhà máy đầu tiên tại Bắc Ninh. Đến nay vẫn chưa một năm nào có thể vượt qua dấu mốc hơn 70 tỷ USD vốn FDI đăng ký chỉ trong một năm như thời điểm Samsung đặt chân đến Việt Nam.
Trải qua 15 năm bùng nổ vốn FDI vào ngành điện tử, các doanh nghiệp FDI vẫn giữ vị thế chắc chắn trong bản đồ xuất khẩu của Việt Nam khi chiếm tỷ trọng hơn 99,6% trong lĩnh vực điện thoại và linh kiện; 98,3% với lĩnh vực máy móc thiết bị, phụ tùng và gần 93% với lĩnh vực máy vi tính, linh kiện điện tử...
Thành công của nhiều "đại bàng" FDI ở Việt Nam là điều đáng mừng song nhìn vào cơ cấu các doanh nghiệp FDI và tỷ lệ của doanh nghiệp hoá trong chuỗi giá trị lại là vấn đề cần suy ngẫm.
Doanh nghiệp dệt may, da giày với đặc điểm thâm dụng lao động nhưng có giá trị gia tăng thấp liệu có tạo động lực tăng trưởng cho Việt Nam trong những năm tiếp theo. Thu hút FDI chất lượng cao là định hướng mà Chính phủ đưa ra trong những năm gần đây khi số lượng các doanh nghiệp FDI lớn, ưu đãi nhiều nhưng hiệu quả của một bộ phận doanh nghiệp đối với nền kinh tế lại chưa cao.
Tính đến hết năm 2023, mới có 62,4% vốn đăng ký được giải ngân tương đương con số 274 tỷ USD sau 35 năm thu hút FDI. Đã đến lúc Việt Nam chuyển dần từ lượng sang chất, thu hút những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao thay vì gia công đơn giản như công nghệ, bán dẫn,...
Thời cơ để chuyển mình
Theo báo cáo của Kyle Freeman, Đối tác Khối Tư vấn kinh doanh quốc tế (Dezan Shira & Associates), mặc dù chuỗi cung ứng chất bán dẫn rất phức tạp, phân mảnh và mang tính quốc tế, nhưng chuỗi giá trị có thể được chia thành 3 lĩnh vực, bao gồm thiết kế, chế tạo và lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói (ATP).
Việt Nam hiện đang tham gia ở lĩnh vực thứ ba - thử nghiệm và đóng gói, Intel hiện đã có cơ sở ATP toàn cầu lớn nhất nằm ở miền Nam Việt Nam và Amkor vận hành nhiều nhà máy ở Việt Nam. Gần đây, Samsung đã công bố kế hoạch xây dựng cơ sở trị giá 2,6 tỷ USD trong lĩnh vực này ở miền Bắc Việt Nam và một số công ty khác cũng đã thực hiện đầu tư vào ATP trong vài năm qua.
Xuất khẩu chip của Việt Nam sang Mỹ tăng 75% trong năm 2022, đạt doanh số 562,5 triệu USD và chiếm 11,6% thị phần. Điều này đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu chip sang Mỹ tăng trưởng nhanh nhất và đứng thứ ba về khối lượng, chỉ sau Đài Loan và Malaysia.
Tuy nhiên, ATP là lĩnh vực có giá trị thấp nhất trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, chỉ chiếm khoảng 6% giá trị của một con chip và điều này làm cho thị phần của Việt Nam còn nhỏ bé trong tổng nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu.
Vì vậy, để tham gia được vào hai lĩnh vực còn lại cần sự nỗ lực trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuẩn bị nguồn nhân lực để thu hút "đại bàng" về làm tổ.
Theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhìn trong giai đoạn dài thì xu hướng tăng trưởng chậm lại đã thấy rõ từ năm 1990 trở lại đây, kể cả khi không có những biến động, môi trường không thuận lợi từ bên ngoài.
Nguyên nhân của xu hướng tăng trưởng chậm lại nằm ở các vấn đề cố hữu, trong trụ cột mà chúng ta quan tâm có vấn đề liên quan đến hạ tầng, nguồn nhân lực và đặc biệt là cải cách thể chế.
"Từ chỗ dựa vào tài nguyên, dựa vào lợi thế so sánh chi phí nhân công tương đối thấp giờ phải dựa nhiều hơn vào đổi mới sáng tạo, đổi mới khoa học và tận dụng các xu thế mới", ông Thành nói và cho biết muốn tạo sức bật cho những năm tiếp theo Việt Nam cần tập trung thu hút FDI trong các lĩnh vực có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao như chất bán dẫn.
Ngoài các ưu đãi, việc duy trì chi phí xây dựng cạnh tranh, đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ nguồn điện, ưu tiên năng lượng xanh và có đủ nguồn nhân lực là kỹ sư bán dẫn có tay nghề cao sẽ quyết định sự thành công của Việt Nam trong lĩnh vực này.
Việt Nam hiện có 5.000 - 6.000 kỹ sư bán dẫn. Con số này đáp ứng chưa đến 20% nhu cầu hiện tại ở Việt Nam và thấp hơn nhiều so với mức dự báo là 20.000 lao động sẽ cần trong 5 năm tới và 50.000 lao động sẽ cần trong 10 năm tới. Đây là những thách thức rất lớn mà Việt Nam cần phải vượt qua.
Cái đặc biệt nhất trong xu thế mới của Việt Nam đó là khó thì rất khó, thách thức rất nhiều nhưng ngay trong khó khăn, thách thức này cơ hội lại là rất lớn.
Với câu hỏi khát vọng Việt Nam có thể thực hiện được hay không, đa số đều có câu trả lời rằng có thể nhưng có điều kiện. Điều kiện ấy là xử lý các vấn đề nội tại và sự quyết liệt, quyết tâm, cách làm nhanh, mạnh mẽ, đầy đủ, sáng tạo hơn của cả bộ máy, vị chuyên gia này cho hay.
Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Singapore - TS. Vũ Minh Khương cũng cho rằng nguyên nhân khiến tăng trưởng chậm lại không chỉ xuất phát từ yếu tố khách quan mà chủ yếu từ nội tại. Các yếu tố cạnh tranh về thu hút vốn FDI của Việt Nam đang dần mất đi hoặc kém hấp dẫn như giá lao động,..
Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động họ đã nghiên cứu chuyển sang đầu tư vào các quốc gia có giá nhân công rẻ hơn như Banglades. Vì vậy, nếu không nâng cao được năng suất lao động, tạo những lợi thế khác bù lại nguy cơ Việt Nam rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” rất hiển hiện.
Cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chi phí logistic cao, thủ tục rườm rà, phức tạp cũng là những hạn chế trong thu hút FDI và nếu không giải quyết triệt để được thì nền kinh tế khó có thể “cất cánh” và làm nên những điều kỳ diệu.
Quy mô của ngành công nghiệp bán dẫn được dự báo trị giá lên tới 578 tỷ USD vào năm ngoái và dự kiến tăng lên 990 tỷ USD vào năm 2030. Nếu nắm bắt được cơ hội này trở thành một trung tâm bán dẫn mới Việt Nam sẽ có cơ hội "chuyển mình". Đây cũng là thời cơ để các nước đi sau bắt nhịp nhanh hơn, bắt kịp các nền kinh tế lớn.