Hai lý do khiến FDI 2023 tăng cao: Đầu tư công là vốn mồi, FDI từ Trung Quốc cao gấp đôi
Tính đến 20/12/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt trên 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tổng vốn đăng ký cấp mới đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 55,2% tổng vốn đăng ký, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 56,6% về số dự án cấp mới);
Tổng vốn đăng ký điều chỉnh đạt gần 7,9 tỷ USD, chiếm hơn 21,5 tổng vốn đăng ký, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022 (tương ứng tăng 14% lượt dự án điều chỉnh vốn);
Vốn góp, mua cổ phần đạt hơn 8,5 tỷ USD, chiếm hơn 23,3% tổng vốn đăng ký, tăng 65,7% so với cùng kỳ 2022 (tương ứng giảm nhẹ 3,2% lượt dự án góp vốn).
Trong tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 thì vốn đăng ký cấp mới và vốn góp mua cổ phần (chiếm 78,47% tổng vốn) tăng rất cao, tương ứng tăng 62,2% và 65,7%, so với cùng kỳ 2022, đóng góp vào mức tăng chung ấn tượng của tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 tăng 32,1% so với cùng kỳ.
Duy nhất chỉ có vốn đăng ký điều chỉnh (chiếm 22,5% tổng vốn) giảm 22,1%, nhưng mức giảm này đã cải thiện rất nhiều so với so với mức giảm 32,1% trong 11 tháng và mức giảm 39% trong 10 tháng năm 2023. Số lượt dự án điều chỉnh vốn lại tăng 14%.
Đầu tư công là vốn mồi giúp FDI tăng cao
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê, FDI tăng cao khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam. Trong đó, đầu tư công đã thực hiện tốt vài trò là nguồn vốn mồi, giúp thu hút FDI cao trong cả năm 2023.
Đặc biệt là việc thu hút FDI thành công trong nửa cuối năm 2023 nâng số vốn giải ngân đạt kỷ lục 23,2 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ.
Tổng vốn FDI đăng ký FDI năm 2023 tăng 32,1% so với cùng kỳ 2022, đây là mức tăng cao nhất và ấn tượng tính từ khi dịch COVID-19. Trước đó, năm 2020 tổng vốn FDI đăng ký giảm 25% năm 2021 tăng 9,2% và năm 2022 giảm 11%.
Năm 2023, có thể kể đến một số dự án FDI có số vốn đăng ký rất cao như: Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình được đầu tư từ Nhật Bản, có tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,99 tỷ USD với mục tiêu sản xuất điện khí từ khí thiên nhiên hoá lỏng (LNG)
Ngoài ra còn có Dự án tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà Việt Nam (Hồng Kong), tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 1,5 tỷ USD và Dự án nhà máy Lite-On vốn đầu tư 690 triệu USD đều tại Quảng Ninh; Dự án nhà máy LG Innotek Hải Phòng do doanh nghiệp Hàn Quốc điều chỉnh vốn tăng thêm 1 tỷ USD. Tổng vốn của 4 dự án lớn này đã đạt 5,2 tỷ USD trong năm 2023.
Trong năm 2023, Việt Nam cũng đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Nhật Bản và Hoa Kỳ được kỳ vọng đưa đến làn sóng đầu tư mới, chất lượng vào Việt Nam. Đây có thể sẽ là xu hướng lạc quan và tin tưởng dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Đây là động lực rất quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2023 và các năm tiếp theo trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như kinh tế trong nước còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Đầu tư từ Trung Quốc tích cực trở lại
Một nguyên nhân khác khiến FDI tăng cao là việc dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc tích cực trở lại sau giai đoạn gián đoạn bởi COVID-19.
Theo báo cáo từ Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), hoạt động ngoại giao, đầu tư và thương mại đều thể hiện vị thế đang lên của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ – Trung. Do đó, xu hướng chính vẫn là các doanh nghiệp Trung Quốc mở rộng đầu tư sang Việt Nam, Việt Nam tăng cường nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ.
Làn sóng trở lại của doanh nghiệp Trung Quốc cho thấy lĩnh vực linh kiện điện tử, pin năng lượng tái tạo, công nghiệp phụ trợ...đang là trọng tâm chuyển dịch đầu tư. Đồng thời, sự dịch chuyển chuỗi cung ứng của Apple sang Việt Nam ngày càng rõ nét hơn với 9 dự án đầu tư mới trị giá khoảng 1,7 tỷ USD và 7 dự án mở rộng quy mô đầu tư với tổng số vốn khoảng 2,6 tỷ USD trong năm 2023.
Về dài hạn, Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trở thành quốc gia đã ký kết Hiệp định thương mại tự do với tất cả các đối tác kinh tế lớn trên toàn cầu như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga,...
Nổi bật trong các FTA mà Việt Nam đã ký kết là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh việc thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng cơ hội đầu tư tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thuế tối thiểu toàn cầu sẽ áp dụng vào năm 2024 hạn chế khả năng thu hút vốn từ các tập đoàn lớn. Cụ thể, thuế suất sẽ là 15% với các doanh nghiệp đa quốc gia có tổng doanh thu hợp nhất từ khoảng 800 triệu USD trở lên trong hai năm của 4 năm liền kề nhất. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng cần ban hành những chính sách ưu đãi cụ thể để giữ chân và thu hút nhà đầu tư.