|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể là gì?

11:40 | 12/02/2020
Chia sẻ
Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể (tiếng Anh: Right to Organise and Collective Bargaining Convention) là một trong tám Công ước cơ bản của ILO.
Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể là gì? - Ảnh 1.

Hình minh họa (Nguồn: fao.org)

Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể

Khái niệm

Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể hay công ước số 98 trong tiếng Anh gọi là: Right to Organise and Collective Bargaining Convention.

Công ước về Quyền tổ chức và thương lượng tập thể là 1 trong 8 Công ước cốt lõi của ILO thuộc khuôn khổ Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, trong đó bao gồm: 

Tự do hiệp hội và công nhận hiệu quả của quyền thương lượng tập thể; xóa bỏ mọi hình thức lao động cưỡng bức và bắt buộc; xóa bỏ lao động trẻ em; xóa bỏ phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp.

(Theo ILO Việt Nam)

Công ước số 98 là một trong tám Công ước cơ bản của ILO. Tính đến tháng 03 năm 2019, đã có 166/187 quốc gia thành viên của ILO gia nhập Công ước số 98. 

Theo Tuyên bố của ILO năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, tất cả các thành viên ILO dù đã gia nhập hay chưa gia nhập các công ước cơ bản đều phải tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc và quyền nằm trong những công ước này. 

Nội dung cơ bản của Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể 

Công ước số 98 về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể có 16 Điều. 

Nội dung Công ước tập trung từ Điều 1 đến Điều 6. Từ Điều 7 đến Điều 16 là những qui định về thủ tục. 

Theo Công ước số 98, có 3 yếu tố đóng vai trò đặc biệt quan trọng để có thương lượng tập thể được tiến hành một cách thực chất và hiệu quả trên thực tế, bao gồm: 

i) Người lao động và cán bộ công đoàn phải được bảo vệ trước các hành vi của người sử dụng lao động phân biệt đối xử về việc làm; 

ii) Tổ chức công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động; 

iii) Nhà nước phải có những biện pháp về luật pháp và thiết chế để thúc đẩy cho thương lượng tập thể. 

Đây cũng chính là 3 nội dung cơ bản của Công ước số 98: 

1. Bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn

2. Bảo vệ công đoàn không bị can thiệp bởi người sử dụng lao động

3. Những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể tự nguyện

(Tài liệu tham khảo: Hỏi và đáp: Công ước số 98 năm 1949 của ILO về áp dụng các nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Vụ Pháp chế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội)

Tuyết Nhi