Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0) là gì? Tác động của công nghiệp 4.0 tới nền sản xuất của thế giới
Hình minh họa (Nguồn: Industrial Automation Asia)
Công nghiệp 4.0 (Industry 4.0)
Khái niệm
Công nghiệp 4.0 trong tiếng Anh là Industry 4.0.
Công nghiệp 4.0 là xu hướng hiện thời trong việc tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghiệp sản xuất. Đây là cuộc cách mạng chưa từng có trong lịch sử nhân loại, có tốc độ diễn biến nhanh, tạo ra những khả năng hoàn toàn mới và có tác động sâu sắc đối với các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế thế giới. Công nghiệp 4.0 diễn ra trên ba lĩnh vực chính bao gồm: công nghệ sinh học, kĩ thuật số và vật lí.
Đặc điểm
- Cốt yếu của kĩ thuật số trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là: Trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data)
- Trên lĩnh vực công nghệ sinh học, tập trung vào nghiên cứu để tạo ra những bước nhảy vọt trong các ngành nông nghiệp, thủy sản, y dược, chế biến thực phẩm, bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, hóa học và vật liệu
- Cuối cùng và lĩnh vực vật lí với robot thế hệ mới, máy in 3D, xe tự lái, các vật liệu mới (graphene, skyrmions,...) và công nghệ nano.
Tác động của công nghiệp 4.0 tới nền sản xuất của thế giới
Công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, tác động đến các quốc gia trên nhiều phương diện, một cuộc cách mạng sản xuất gắn liền với những đột phá về công nghệ, liên quan đến kết nối internet, điện toán đám mây, in 3D, công nghệ cảm biến, thực tế ảo,...
Trọng tâm là việc xây dựng một thế giới siêu kết nối dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa qui trình và phương thức sản xuất. Từ đó gia tăng sự đầu tư, năng suất và mức sống. Một thế giới siêu kết nối sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển ngang bằng cho mọi cá nhân, gia đình, tổ chức ở mọi vùng miền, không phân biệt biên giới, hải đảo, nông thôn hay thành thị.
Theo nhiều chuyên gia nhận định, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có những tác động mạnh mẽ tới các ngành, lĩnh vực cụ thể như sản xuất - tự động hóa, giao thông, tài chính - ngân hàng, giáo dục, y tế, nông nghiệp,...
Làn sóng công nghệ mới này sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, đổi mới sáng tạo các sản phẩm dịch vụ, giảm tiêu hao nhiên liệu, chi phí sản xuất - vận hành, đồng thời đáp ứng chính xác hơn nhu cầu của khách hàng.
Với sự chuyển động nhanh của cuộc Cách mạng này, tương lai 15 năm tới, thế giới sẽ có một diện mạo mới. Những biểu hiện rõ rệt trong cuộc sống hiện nay bao gồm:
+ Internet vạn vật (Internet of Things - IoT): làm biến đổi các ngành công nghiệp từ sản xuất đến cơ sở hạ tầng, đến chăm sóc sức khỏe. Công nghệ hiện đại có thể kết nối thế giới thực và thế giới ảo, con người có thể điều khiển máy móc, các qui trình sản xuất từ xa, có thể là ngay tại nhà mà vẫn bao quát tất cả mọi hoạt động của nhà máy thông qua sự vượt trội của internet.
+ Tự động hóa thay thế lao động chân tay, robot có thể thay thế con người trong nhiều lĩnh vực. Có thể dẫn đến tình trạng hàng triệu lao động trên thế giới rơi vào cảnh thất nghiệp, nhất là trong lĩnh vực bảo hiểm, môi giới bất động sản, tài chính, vận tải. Bên cạnh đó là hệ thống ô tô, máy bay, tên lửa không người lái,...
+ Sự tham gia thị trường của taxi công nghệ: Grab, Uber ảnh hưởng mạnh mẽ đến taxi truyền thống. Chúng tạo sự cạnh tranh về giá, phương thức để sử dụng dịch vụ.
+ Cách thức giao tiếp trên internet: giao dịch thương mại điện tử, phương thức liên lạc, quảng cáo (marketing hiện đại với nhiều hình thức mới và digital marketing), thanh toán chi phí sinh hoạt (đặt hàng, mua sắm online), giao thông vận tải (đặt vé, check-in vé tàu, máy bay, thu phí tự động), hoặc các dịch vụ công cộng (cấp, đổi giấy phép lái xe, đăng kiểm xe cơ giới, đăng kí số thứ tự mua hàng, khám bệnh),... làm giảm chi phí giao dịch, vận chuyển.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ tác động mạnh mẽ đến mọi quốc gia, chính phủ, doanh nghiệp và người dân toàn cầu, cũng như làm thay đổi căn bản cách chúng ta sống, làm việc và sản xuất.
(Tài liệu tham khảo: ITP - Khu công nghệ phần mềm Đại học quốc gia Hồ Chí Minh)