|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Công đoàn (Trade unions) là gì? Có lợi hay có hại

15:53 | 05/09/2019
Chia sẻ
Công đoàn (tiếng Anh: Trade unions) là một hiệp hội của những người lao động nhằm thương lượng tập thể với người thuê lao động (hay người sử dụng lao động) về tiền lương và các điều kiện làm việc.
csm_Transforming_Labour_Relations_and_Trade_Unions_cropped_2_19cc4f18f5

Hình minh hoạ (Nguồn: fesnord)

Công đoàn

Khái niệm

Công đoàn trong tiếng Anh được gọi là trade unions.

Công đoàn là một hiệp hội của những người lao động nhằm thương lượng tập thể với người thuê lao động (hay người sử dụng lao động) về tiền lương và các điều kiện làm việc. 

Công đoàn là một dạng các-ten vì nó được tạo ra bởi một nhóm người và thành một lực lượng có sức mạnh thị trường. Nếu công đoàn và doanh nghiệp thất bại trong việc đi tới đồng thuận, công đoàn có thể đình công - đó là việc rút dịch vụ lao động khỏi doanh nghiệp. 

Ở phương Tây, mối đe doạ đình công đến hoạt động sản xuất nên người lao động là đoàn viên công đoàn thường nhận được tiền lương cao hơn so với những lao động không tham gia công đoàn khoảng 10% đến 20%.

Ảnh hưởng

Do yêu cầu của công đoàn, tiền lương có thể tăng lên trên mức lương cân bằng. Điều này khiến lượng cung lao động tăng và lượng cầu lao động giảm và gây ra thất nghiệp. Cũng giống như Luật tiền lương tối thiểu, những ai có việc làm được lợi, nhưng những ai thất nghiệp bị tổn thất. 

Các nhà kinh tế đôi khi mô tả tình huống này như là một sự xung đột giữa những người trong cuộc và người ngoài cuộc. Các công nhân tham gia công đoàn là những người trong cuộc; còn những người thất nghiệp là những người ngoài cuộc. 

Nếu những người trong cuộc đủ mạnh thì những người ngoài cuộc có thể vẫn không được doanh nghiệp thuê ngay cả với tiền lương thấp hơn.

Công đoàn đối với nền kinh tế

Câu hỏi đặt ra là công đoàn có lợi hay gây tổn hại cho nền kinh tế? Nhìn chung, các nhà kinh tế không nhất trí về vai trò của công đoàn đối với nền kinh tế. Chúng ta hãy xem xét cả hai phương diện của cuộc tranh luận.

- Những người phê phán công đoàn lập luận rằng công đoàn chỉ là một dạng các-ten. Khi công đoàn làm tăng tiền lương lên cao hơn mức cân bằng trên thị trường cạnh tranh nên nó làm giảm lượng cầu về lao động khiến một số người lao động bị thất nghiệp và làm giảm tiền lương ở bộ phận còn lại của nền kinh tế. 

Theo lập luận của những người phê phán, sự phân bổ lao động nảy sinh từ đó vừa không hiệu quả, vừa không công bằng. 

Nó không hiệu quả bởi tiền lương của các đoàn viên công đoàn cao làm giảm việc làm ở các doanh nghiệp có công đoàn xuống thấp hơn ở mức cạnh tranh hiệu quả. Nó không công bằng bởi một số công nhân được lợi, còn những người khác lại bị tổn thất.

- Những người bênh vực công đoàn khẳng định rằng công đoàn là đối trọng cần thiết để chống lại sức mạnh thị trường của doanh nghiệp thuê công nhân. Trường hợp cực đoan của sức mạnh thị trường là "thành phố công ty" – đó là nơi một công ty duy nhất thuê hầu hết lao động trong một vùng lãnh thổ. 

Trong "thành phố công ty", nếu công nhân không chấp nhận tiền lương và các điều kiện lao động do doanh nghiệp đưa ra, họ chỉ còn cách chuyển đi nơi khác hoặc không làm việc. 

Do đó, nếu không có công đoàn, doanh nghiệp có thể sẽ sử dụng sức mạnh thị trường để trả lương thấp hơn và cung cấp điều kiện lao động tồi hơn so với trường hợp có công đoàn. 

Như vậy, trong trường hợp này công đoàn có thể cần thiết để đối trọng với sức mạnh thị trường của doanh nghiệp nhằm bảo vệ công nhân trước sự đối xử bất công của chủ doanh nghiệp. 

Ngoài ra, những người ủng hộ công đoàn còn lập luận rằng tổ chức công đoàn sẽ mang lại hiệu quả bởi vì các doanh nghiệp không cần phải thương lượng với từng công nhân về tiền lương và các khoản phúc lợi khác. Nghĩa là, công đoàn góp phần cắt giảm chi phí giao dịch.

Như vậy, không có sự nhất trí giữa các nhà kinh tế về việc công đoàn là có lợi hay gây tổn hại cho nền kinh tế. Giống như nhiều thể chế khác, ảnh hưởng của công đoàn có lẽ có lợi trong một số tình huống và bất lợi trong các tình huống khác.

(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Thất nghiệp, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi