Thất nghiệp cơ cấu (Structural unemployment) là gì? Nguyên nhân
Hình minh hoạ (Nguồn: albawaba)
Thất nghiệp cơ cấu
Khái niệm
Thất nghiệp cơ cấu trong tiếng Anh được gọi là structural unemployment.
Thất nghiệp cơ cấu là thất nghiệp phát sinh từ sự không ăn khớp giữa cung và cầu trên các thị trường lao động cụ thể. Mặc dù số người đang tìm việc làm đúng bằng số việc làm còn trống, nhưng người tìm việc và việc tìm người lại không khớp nhau về kĩ năng, ngành nghề hoặc địa điểm.
Ví dụ, một công nhân bậc 7 có thể làm việc hơn 25 năm trong ngành dệt nhưng có thể trở thành người thất nghiệp ở tuổi 50 khi ngành dệt đang bị thu hẹp do đối mặt với sự cạnh tranh từ phía nước ngoài.
Người công nhân này có thể phải đào tạo thêm một kĩ năng mới mà nền kinh tế lúc đó đang có nhu cầu. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có thể không muốn tuyển và đào tạo những công nhân lớn tuổi nên người công nhân này sẽ trở thành nạn nhân của tình trạng thất nghiệp cơ cấu.
Nguyên nhân
Sự thay đổi đi kèm với tăng trưởng kinh tế làm thay đổi cơ cấu của cầu lao động. Cầu lao động tăng lên ở các khu vực đang mở rộng và có triển vọng, trong khi lại giảm ở các khu vực đang bị thu hẹp hoặc ít triển vọng hơn.
Cầu lao động tăng đối với những người lao động có những kĩ năng nhất định (như lập trình viên hay kĩ sư điện tử...) và cầu lao động giảm đối với các ngành, nghề khác (như công nhân cơ khí...).
Sự thay đổi theo hướng mở rộng khu vực dịch vụ và tái cơ cấu trong tất cả các ngành trước sự đổi mới về công nghệ có lợi cho những công nhân có trình độ học vấn cao hơn.
Để thích ứng những thay đổi đó, cấu trúc của lực lượng lao động cần thay đổi. Một số công nhân đang có việc làm cần được đào tạo lại và một số người mới gia nhập lực lượng lao động cần nắm bắt được các kĩ năng lao động phù hợp với yêu cầu mới của thị trường.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi thường tương đối khó khăn, đặc biệt đối với công nhân có tay nghề cao mà kĩ năng của họ đã trở nên lạc hậu so với yêu cầu mới về phát triển kinh tế.
Thất nghiệp cơ cấu xuất hiện khi những điều chỉnh như vậy diễn ra chậm chạp và thất nghiệp tăng lên ở các khu vực, các ngành nghề mà cầu về các yếu tố sản xuất giảm nhanh hơn nguồn cung ứng.
(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Thất nghiệp, ĐH Kinh tế Quốc dân)