Thất nghiệp theo lí thuyết Cổ điển (Classical Unemployment) là gì? Nguyên nhân
Hình minh hoạ (Nguồn: politis)
Thất nghiệp theo lí thuyết Cổ điển
Khái niệm
Thất nghiệp theo lí thuyết Cổ điển trong tiếng Anh được gọi là Classical Unemployment hay Real wage unemployment.
Thất nghiệp theo lí thuyết Cổ điển là thất nghiệp xảy ra khi tiền lương thực tế không thể giảm xuống mức đầy đủ việc làm.
Một nguyên nhân khác góp phần giải thích tại sao chúng ta quan sát thấy có một số thất nghiệp ngay cả trong dài hạn là sự cứng nhắc của tiền lương thực tế.
Mô hình Cổ điển giả định rằng tiền lương thực tế điều chỉnh để cân bằng thị trường lao động, đảm bảo trạng thái đầy đủ việc làm. Điều này phù hợp với cách tiếp cận cân bằng thị trường, đó là giá cả sẽ điều chỉnh để đảm bảo cân bằng giữa cung và cầu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy là thất nghiệp luôn tồn tại.
Các nhà kinh tế Cổ điển cho rằng các lực lượng khác nhau trên thị trường lao động, gồm có luật pháp, thể chế và truyền thống, có thể ngăn cản tiền lương thực tế điều chỉnh đủ mức để duy trì trạng thái đầy đủ việc làm.
Nếu tiền lương thực tế không thể giảm xuống mức đầy đủ việc làm thì thất nghiệp sẽ xuất hiện. Loại thất nghiệp này thường được gọi là thất nghiệp theo lí thuyết Cổ điển.
Nguyên nhân
Ba nguyên nhân chủ yếu có thể làm cho tiền lương thực tế cao hơn mức cân bằng thị trường trong các nền kinh tế hiện đại, đó là: luật tiền lương tối thiểu; hoạt động công đoàn; và tiền lương hiệu quả.
Cả ba lí thuyết này đều giải thích lí do tiền lương thực tế có thể duy trì ở mức "quá cao" khiến một số người lao động có thể bị thất nghiệp.
- Luật tiền lương tối thiểu
Các đạo luật về tiền lương tối thiểu qui định mức lương thấp nhất mà người thuê lao động phải trả cho người lao động.
Tiền lương tối thiểu làm tăng thu nhập của những người lao động có việc làm, nhưng lại làm giảm thu nhập của một số người lao động không tìm được việc làm do qui định này.
Để hiểu biết đầy đủ về tác động của tiền lương tối thiểu đến thị trường lao động thì vấn đề quan trọng cần ghi nhớ là nền kinh tế không chỉ bao gồm một thị trường lao động đơn lẻ mà gồm nhiều thị trường lao động cho các loại lao động khác nhau.
Ảnh hưởng của tiền lương tối thiểu phụ thuộc vào kĩ năng và kinh nghiệm của người lao động, nhưng nhìn chung thì những lao động có kĩ năng và kinh nghiệm ít bị ảnh hưởng bởi qui định này vì mức lương cân bằng của họ cao hơn nhiều mức tiền lương tối thiểu.
Đối với những lao động có kĩ năng và kinh nghiệm, mức tiền lương tối thiểu không mang tính ràng buộc.
- Công đoàn và thương lượng tập thể:
Do yêu cầu của công đoàn, tiền lương có thể tăng lên trên mức lương cân bằng. Điều này khiến lượng cung lao động tăng và lượng cầu lao động giảm và gây ra thất nghiệp.
Cũng giống như Luật tiền lương tối thiểu, những ai có việc làm được lợi, nhưng những ai thất nghiệp bị tổn thất. Các nhà kinh tế đôi khi mô tả tình huống này như là một sự xung đột giữa những người trong cuộc và người ngoài cuộc.
Các công nhân tham gia công đoàn là những người trong cuộc; còn những người thất nghiệp là những người ngoài cuộc. Nếu những người trong cuộc đủ mạnh thì những người ngoài cuộc có thể vẫn không được doanh nghiệp thuê ngay cả với tiền lương thấp hơn.
- Lí thuyết tiền lương hiệu quả
Nguyên nhân tiếp theo lí giải vì sao nền kinh tế luôn có thất nghiệp do lí thuyết tiền lương hiệu quả đưa ra.
Theo lí thuyết này, doanh nghiệp sẽ hoạt động có hiệu quả hơn nếu trả tiền lương cao hơn mức cân bằng thị trường vì doanh nghiệp có thể có lợi nếu giữ tiền lương ở mức cao ngay cả khi có tình trạng dư cung về lao động.
Trên một số phương diện, thất nghiệp nảy sinh từ tiền lương hiệu quả tương tự như thất nghiệp nảy sinh từ luật tiền lương tối thiểu và công đoàn.
Trong cả ba trường hợp, thất nghiệp là kết quả của việc tiền lương cao hơn mức cho phép cân bằng thị trường lao động.
Tuy nhiên, các lí thuyết này cũng có những khác biệt quan trọng. Luật tiền lương tối thiểu và công đoàn ngăn cản các doanh nghiệp hạ thấp tiền lương khi có tình trạng dư cung về lao động. Lí thuyết tiền lương hiệu quả lại cho rằng các biện pháp đó có thể không cần thiết vì doanh nghiệp có thể tự nguyện trả tiền lương cao hơn mức cân bằng.
(Tài liệu tham khảo: Tài liệu Thất nghiệp, ĐH Kinh tế Quốc dân)