Cơ cấu cơ học (Mechanistic Structure) và Cơ cấu hữu cơ (Organic Structure) của tổ chức là gì?
Cơ cấu cơ học
Khái niệm
Cơ cấu cơ học trong tiếng Anh là Mechanistic Structure, còn được gọi là Cơ cấu quan liêu, trong tiếng Anh là Bureaucratic Structure.
Cơ cấu cơ học mô tả một cấu trúc có nền tảng là một mạng lưới chính thức, tập trung. Cơ cấu cơ học phù hợp nhất đối với các công ty hoạt động trong môi trường ổn định và chắc chắn. Nhìn chung, cơ cấu cơ học rất dễ duy trì và hiếm khi cần thay đổi khi công ty hoạt động trong môi trường ổn định.
Trong cơ cấu tổ chức cơ học, quyền hành phản ánh một hệ thống phân cấp rõ ràng, nơi các nhà quản lí cấp cao đưa ra hầu hết mọi quyết định. Vì môi trường hoạt động tương đối ổn định, các qui trình ra quyết định phức tạp có sự tham gia của nhiều bên là không cần thiết.
Cấp dưới sẽ phải làm theo các hướng dẫn của quản lí và không thắc mắc về lí do của họ. Giao tiếp, cũng giống như các quyết định, được truyền từ các tuyến phân cấp, hoặc từ cấp trên truyền xuống cấp dưới.
Trong các tổ chức có cơ cấu cơ học, thông thường mỗi nhân viên được giao một nhiệm vụ tương đối ổn định và dễ kiểm soát. Do tính chất ổn định của nhiệm vụ, các bộ phận chức năng hoặc phòng ban trong tổ chức thường có tính tích hợp thấp; và các bộ phận chức năng thường không phụ thuộc vào nhau.
Ví dụ về các cấu trúc cơ học bao gồm ngành chăm sóc sức khỏe, trường đại học và các tổ chức chính phủ.
Cơ cấu hữu cơ
Khái niệm
Cơ cấu hữu cơ trong tiếng Anh là Organic Structure.
Cơ cấu hữu cơ được sử dụng trong các tổ chức phải đối mặt với môi trường năng động, không ổn định, và cần nhanh chóng thích nghi với các thay đổi. Khi môi trường thay đổi, tổ chức phải có khả năng thu thập, xử lí và phổ biến thông tin rất nhanh.
Thất bại trong những việc trên có thể trực tiếp ảnh hưởng đến khả năng duy trì lợi thế cạnh tranh của tổ chức. Các tổ chức sử dụng cơ cấu hữu cơ sẽ tích hợp các khu vực chức năng và các phòng ban lại với nhau để thông tin có thể chảy liền mạch giữa các bộ phận. Nhờ đó, thông tin được truyền bá rộng rãi và nhanh chóng, giúp tăng khả năng đáp ứng với những thay đổi trong môi trường bên trong và bên ngoài.
Cơ cấu hữu cơ sử dụng phân cấp quản lí, nghĩa là quá trình ra quyết định phức tạp hơn, và có liên quan đến nhiều bên ở tất cả các cấp của tổ chức.
Sự không chắc chắn của các tổ chức cơ cấu hữu cơ khiến cho chúng hầu như không thể tạo ra các qui trình và thủ tục tiêu chuẩn hóa. Do đó, quyền lực và thẩm quyền cũng nên được ủy thác cho nhân viên cấp dưới.
Một số ví dụ nổi tiếng bao gồm: General Motors, Công ty sản xuất và khai thác mỏ Minnesota.
(Theo study.com)