|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

'Đấu thầu vàng là một trong những nguyên nhân đẩy giá càng tăng cao'

15:56 | 17/05/2024
Chia sẻ
GS. TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc để giá sàn quá cao trong các cuộc đấu thầu vàng càng đẩy giá trên thị trường tăng cao hơn.

Tại toạ đàm về phát triển thị trường vàng sáng ngày 17/5, GS. TS Hoàng Văn Cường, Uỷ viên Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng việc Ngân hàng Nhà nước càng đầu thầu, giá càng tăng, khoảng cách chênh lệch vàng trong nước và thế giới càng tăng chứng tỏ giải pháp này không đạt được mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới. 

“Có lẽ việc Ngân hàng Nhà nước đấu thầu vàng là một tác nhân gây nên giá vàng tăng lên. Giá sàn thậm chí cao hơn thị trường. Người trúng thầu đương nhiên phải là người mua vàng với giá bằng hoặc cao hơn giá sàn. Và khi bán số vàng đó ra ngoài thị trường, họ sẽ bán với giá cao hơn nữa. Như vậy mục tiêu của đấu thầu ở đây là chọn được người trả giá cao chứ không phải là kéo giá sát với thế giới”, ông Cường nhận định.

Theo ông Cường, giá sàn cần phải căn cứ vào giá quốc tế, cộng với thuế và các chi phí khác. 

 Ảnh: H.Mĩ

Sau 7 phiên đấu thầu, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 27.200 lượng vàng sau 7 phiên đấu thầu. Trong đó, có 3 phiên đấu thầu không thành công vì chỉ có 1 thành viên tham gia. 

Ngân hàng Nhà nước cho biết tại các phiên đấu thầu vừa qua, Công ty SJC đều trúng thầu với khối lượng 2.000 lượng mỗi phiên. Các tổ chức khác dè dặt hơn khi tham gia đấu thầu vàng miếng từ NHNN do lo ngại rủi ro biến động giá và không có lượng khách hàng đến mua vàng miếng SJC như tại Công ty SJC.

Trong những tháng cuối năm 2023 và đàu năm 2024, giá vàng đã liên tục lập đỉnh mới, giá vàng SJC đã có lúc đạt đỉnh tháng 4 là 85 triệu đồng/lượng và sang tháng 5 đã vượt 90 triệu đồng/lượng và hiện đang neo ở mức này.

Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử của thị trường vàng Việt Nam. Biến động giá vàng xảy ra có những khi liên tiếp nhau, thậm chí có những ngày giá vàng leo dốc một cách thẳng đứng, biên độ thay đổi giá lớn qua mỗi lần tăng giá. Có những lúc, giá vàng trong nước chênh lệch với giá vàng thế giới lên tới 20 triệu đồng/lượng. 

Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa đặt vấn đề: “SJC độc quyền vàng miếng từ năm 2011 nhưng tại sao giai đoạn 2013 - 2020 chênh lệch vàng miếng trong nước và quốc tế rất thấp và bắt đầu bùng nổ trong năm 2021? Liệu có phải do chênh lệch cung - cầu không hay là do yếu tố “bí hiểm” nào khác?” 

Ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc ngân hàng ADB nhận định Việt Nam không phải nước duy nhất nằm trong làn sóng biến động giá vàng và điều này không có gì bất thường

“Nhưng bất thường của Việt Nam là cách phản ứng về chính sách. Đối với những nước khác việc phản ứng chính sách không quá mạnh. Còn tại Việt Nam, dường như những phản ứng chính sách đang mạnh hơn những gì cần thiết trong việc quản lý thị trường vàng, từ đó tạo nên tâm lý đám đông. Những phản ứng đó dường như bị thị trường dẫn dắt nhiều hơn là dựa trên những thông tin xác thực và nghiên cứu khoa học”, ông nói. 

Theo ông Cường cần có giải pháp dài hơi hơn. Các biện pháp ngắn hạn cho đến nay, điển hình là đấu thầu vẫn chưa hợp lý. 

Tại báo cáo vĩ mô do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp cùng tổ chức Think Future Consultancy công bố tại tọa đàm ngày 17/5, các chuyên gia cho rằng chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện nay không hoàn toàn phản ánh cung - cầu. 

Trong tình hình này, các biện pháp hành chính trở nên đặc biệt quan trọng để đảm bảo sự minh bạch và ngăn chặn thao túng giá. Thanh tra thị trường vàng, yêu cầu sử dụng hóa đơn, điều tra hành vi thao túng... sẽ không tốn dự trữ ngoại hối mà lại có thể mang tới hiệu quả cao tức thì. Ngoài việc sử dụng các biện pháp hành chính, công cụ tiền tệ như lãi suất cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn các loại bong bóng tài sản, bao gồm cả vàng.

H.Mĩ