Chuyên gia dự báo tăng trưởng kinh tế quý II có thể lên tới 6,3%
Sau quý I với tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 5,66%, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đã cập nhật hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2024.
Cụ thể, ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%, tức là đạt cận dưới mục tiêu Quốc hội đề ra.
Để đạt con số này, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,12%, trong đó tăng trưởng quý II là 5,85%, quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5%, cận trên mục tiêu Quốc hội đề ra.
Theo đó, 9 tháng cuối năm phải tăng khoảng 6,75%, trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%, quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1 điểm % so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01 của Chính phủ.
Đến nay, dù số liệu thống kê chính thức chưa được công bố nhưng đã có nhiều dự báo về tăng trưởng GDP quý II/2024.
Nhiều dự báo tích cực
Mới đây nhất, Ngân hàng UOB (Singapore) dự báo tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam sẽ ở mức khoảng 6%, cao hơn mức tăng trưởng GDP 5,66% trong quý I.
Lý giải về dự báo này, ông Suan Teck Kin, Giám đốc điều hành Khối nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu, Tập đoàn UOB cho biết, dựa trên cơ sở các hoạt động kinh tế Việt Nam đang đi đúng hướng, dòng vốn FDI tích cực và Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong lĩnh vực sản xuất đã tăng 4/5 tháng đầu năm, trong đó tháng 5 ở mức 50,3 điểm.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp tăng 8,9% so với cùng kỳ trong tháng 5, đánh dấu tháng tăng trưởng thứ ba liên tiếp trong năm 2024. Đồng thời, xuất khẩu hàng hóa ghi nhận tháng thứ ba tăng trưởng hai con số. Tính từ đầu năm đến tháng 5, xuất khẩu tăng 16% so với cùng kỳ và nhập khẩu tăng 18,6% so với mức âm trong cùng kỳ năm 2023.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng doanh số bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,7% so với cùng kỳ trong tháng 5, được hỗ trợ bởi lĩnh vực dịch vụ nhà hàng và lưu "trú, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2023 và du lịch tăng 45,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Dựa trên dữ liệu được công bố cho đến nay, chúng tôi duy trì dự báo tăng trưởng của Việt Nam ở mức 6% cho năm 2024”, UOB đưa kỳ vọng.
Còn theo Báo cáo đánh giá về Kinh tế Việt Nam quý I và dự báo cả năm 2024 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, tăng trưởng GDP quý II sẽ tiếp tục khả quan, có thể đạt 5,9 - 6,3%, giúp GDP nửa đầu năm 2024 tăng 5,8 - 6,2%.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng nhờ các yếu tố rủi ro bên ngoài được dự báo và trong tầm kiểm soát; các động lực tăng trưởng (cả truyền thống và mới) được khai thác, phát huy hiệu quả cao hơn; và kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm, niềm tin của doanh nghiệp và người dân được củng cố....
“Cả năm 2024 có thể tăng 6 - 6,5% theo kịch bản cơ sở đạt mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5 - 7% ở kịch bản tích cực”, ông Lực dự báo.
Thiếu hụt các động lực tăng trưởng mạnh mẽ trở lại
Kém lạc quan hơn, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 chỉ trong khoảng 5,5 - 6% do tiếp tục phải đối mặt với một số thách thức như trì hoãn cắt giảm lãi suất của FED làm giảm xuất khẩu và đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, và xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất, nhập khẩu và sản xuất của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn;.
“Đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn và nó phản ánh sự thiếu hụt các động lực tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu để kéo dài sẽ nguy cơ suy thoái”, ông Lực quan ngại.
Về giải pháp, ông Việt cho rằng ưu tiên hàng đầu lúc này là tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô. Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công).
Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và nâng tầm chất lượng tăng trưởng của Việt nam trong giai đoạn tiếp theo.
Còn theo ông Cấn Văn Lực, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công bởi đây vẫn là trợ lực chính cho tăng trưởng kinh tế khi cả nước dự kiến đẩy mạnh giải ngân gần 700.000 tỷ đồng, tăng 12% so với 2023.
Ngoài ra, chính sách tiền tệ sẽ là nhóm “bổ trợ” thông qua việc điều hành chủ động, linh hoạt, cho phép cơ cấu lại nợ (cho phép gia hạn đến hết năm 2024). Đồng thời, nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách nhằm thúc đẩy tăng trưởng, ổn định vĩ mô, bình ổn tỷ giá…
Cùng đó cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, kịp thời ban hành và thực thi hiệu quả hơn các chính sách, giải pháp tháo gỡ các vướng mắc, nhất là về pháp lý, định giá đất, hoàn thuế giá trị gia tăng, tiếp cận vốn phát triển nhà ở xã hội...
Ngoài ra cũng cần kết hợp thúc đẩy những động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, tăng trưởng xanh, liên kết vùng, cải cách thể chế kinh tế, năng suất lao động, tăng đóng góp vào tăng trưởng.
“Nếu phát huy, khai thác tốt các động lực tăng trưởng mới này, GDP có thể tăng thêm từ 0,9 - 1,4 điểm % trước mắt trong bối cảnh toàn cầu đang suy giảm cũng như lâu dài”, TS. Cấn Văn Lực ước tính.