|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

‘Đối tác’ quan trọng của nhóm Vạn Thịnh Phát trong việc phát hành trái phiếu khống

11:48 | 14/06/2024
Chia sẻ
Trong vụ án bà Trương Mỹ Lan giai đoạn 2, cơ quan điều tra xác định một pháp nhân là đối tác của nhóm Vạn Thịnh Phát liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu và pháp nhân này cũng nằm trong danh sách các công ty chuyển tiền ra nước ngoài trái phép.

Theo kết luận điều tra vụ án bà Trương Mỹ Lan giai đoạn 2 do Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công an) công bố, 4 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư An Đông, CTCP Đầu tư và Phát triển Sunny World, CTCP Đầu tư Quang Thuận và CTCP Dịch vụ - Thương mại TP HCM (Setra) đã phát hành tổng cộng gần 30.900 tỷ đồng trái phiếu khống, không có tài sản bảo đảm. Dư nợ trái phiếu hiện còn trên 30.000 tỷ đồng.

Bà Lan đã họp bàn cùng các nhân sự cấp cao của SCB, CTCP Chứng khoán Tân Việt (TVSI) và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chọn Công ty An Đông phát hành trái phiếu. 5 công ty được lựa chọn làm trái chủ sơ cấp gồm CTCP Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát, CTCP Phát triển hạ tầng và Bất động sản Việt Nam (VIPD), CTCP Tập đoàn Việt Nam (VN Group), CTCP Tập đoàn Quản lý Bất động sản Winsor (WMC) và CTCP Dimension (DUC).

Cơ quan điều tra xác định CTCP Tập đoàn Sài Gòn Peninsula (SPG) là công ty đối tác, cùng 4 công ty nói trên lên phương án dòng tiền khống tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) để hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp và mục đích phát hành trái phiếu, từ đó tạo lập các gói trái phiếu khống để bán cho nhà đầu tư, theo chủ trương của bà Lan.

Khoảng 30 kế toán của nhóm SPG được giao quản lý nhiều công ty ma (mỗi người quản lý 20 - 30 công ty), có nhiệm vụ mở tài khoản, kê khai kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính, theo dõi, quản lý hồ sơ hoạt động của các công ty ma, phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (vay vốn, phát hành trái phiếu, mua bán/chuyển nhượng cổ phần, tài sản...).

Nhóm SPG được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sắp xếp nguồn tiền 8 - 10 tỷ đồng/tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê, tùy vào mức độ tham gia.

Sài Gòn Peninsula (SPG) được thành lập ngày 8/7/2003, trụ sở tại số 193 - 203 Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1, TP HCM (Tòa nhà VTP Office Building). Công ty có vốn điều lệ 18.000 tỷ đồng, gồm 10 cổ đông cá nhân và 21 cổ đông pháp nhân. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Ngọc Dương, Tổng giám đốc (đã mất).

Hội đồng quản trị gồm ông Trương Vincent Kinh (em họ bà Lan) - Chủ tịch HĐQT, hai thành viên HĐQT có ông Kwok Hakman Oliver (em rể bà Ngô Thanh Nhã, bà Nhã là em dâu bà Lan) và bà Nguyễn Phương Anh.

SPG là chủ đầu tư dự án Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và Khu nhà ở đô thị tại phường Phú Thuận, quận 7, TP HCM với tổng quy mô gần 117,8 ha. Dự án đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư, chưa được phê duyệt dự án, chưa được giao đất.

SPG còn là một trong 7 cổ đông của Setra, một trong 4 công ty đã phát hành hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu khống.

Khu đô thị mới Saigon Peninsula (tên gọi khác là dự án Mũi Đèn Đỏ) nằm tại ngã ba sông Sài Gòn, quận 7, TP HCM, từng được giới thiêu ra thị trường với tổng vốn đầu tư khoảng 6 tỷ USD. (Ảnh: Hải Quân).

Vai trò của Sài Gòn Peninsula trong việc phát hành trái phiếu khống

Kết quả điều tra cho biết, thay vì thực hiện đúng mục đích phát hành trái phiếu là “tăng quy mô vốn hoạt động và thực hiện chương trình, dự án đầu tư”, các cá nhân thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, SCB và TVSI đã che giấu mục đích chiếm đoạt tiền bằng việc ra chủ trương hợp tác với SPG để đầu tư dự án Mũi Đèn Đỏ.

Cụ thể, An Đông (tổ chức phát hành 25.000 tỷ đồng trái phiếu) và SPG ký hợp đồng hợp tác đầu tư dự án Mũi Đèn Đỏ với tổng chi phí đầu tư 119.600 tỷ đồng, kèm điều khoản ràng buộc “Công ty An Đông chịu trách nhiệm huy động vốn bằng các hình thức vay của các t chức tín dụng, phát hành trái phiếu hoặc hĩnh thức họp pháp khác”.

Sau đó, hai bên tiếp tục ký 5 hợp đồng khống về việc An Đông cho SPG vay tổng cộng hơn 29.000 tỷ đồng để thực hiện dự án, hợp pháp hóa mục đích sử dụng vốn trái phiếu trên hồ sơ phát hành của An Đông.

Sau khi nhận được tiền từ trái chủ sơ cấp, An Đông chuyển tiền cho SPG và SPG tiếp tục chuyển tiền cho các cá nhân theo các hợp đồng hứa chuyển nhượng cổ phần khống. Các cá nhân sau đó lần lượt ký các chứng từ khống cho việc rút tiền, nhưng thực tế không có tiền mặt nộp vào hay rút ra và không có nguồn tiền khác trong tài khoản các công ty mà chỉ ký hợp thức các chứng từ nộp, chuyển tiền, rút tiền cùng giá trị trong từng ngày để đảm bảo cân số quỹ tiền mặt.

Lời khai của các cựu lãnh đạo Sài Gòn Peninsula

Theo lời khai của ông Trương Vincent Kinh (tên gọi khác là Lâm Khắc Vinh, quốc tịch Mỹ), ông đến Việt Nam từ năm 2010, được bà Lan sắp xếp, giao làm Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật, sau đó là Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc SPG và Sunny World.

Ông chỉ điều hành chuyên môn về lĩnh vực phát triển dự án bất động sản, xúc tiến đầu tư, đối ngoại; toàn bộ mảng tài chính và nguồn tài chính duy trì hoạt động của công ty do bà Lan quyết định, điều hành.

Ông Trương Vincent Kinh khai chủ trương phát hành trái phiếu của Công ty An Đông và Sunny World là của bà Lan. Ông không được tham gia họp bàn, đàm phán hay sử dụng tiền từ việc phát hành trái phiếu. Tuy nhiên, ông xác nhận đã ký hợp thức các hồ sơ, thủ tục để Công ty An Đông phát hành trái phiếu.

Các hồ sơ này gồm: Một hợp đồng hợp tác đầu tư giữa An Đông và SPG về việc đầu tư dự án Mũi Đèn Đỏ; 5 hợp đồng hợp tác vay tiền về việc An Đông cho SPG vay tổng cộng hơn 29.200 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 11%/năm; 17 ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản của SPG đến các cá nhân được thuê ký khống chứng từ.

Còn ông Kwok Hakman Oliver khai nhận, tháng 8/2018, bà Ngô Thanh Nhã (Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Chủ tịch HĐQT Công ty An Đông) chủ trì cuộc họp tại Tòa nhà VTP Office Building và thông báo với 4 cá nhân (ông Kwok Hakman Oliver, ông Hồ Bửu Phương - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ông Trương Vincent Kinh, Nguyễn Hữu Hiệu - Phó Tổng Giám đốc Tài chính phụ trách trái phiếu An Đông, WMC) về chủ trương của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát chọn An Đông làm công ty phát hành trái phiếu.

Đại diện các Công ty An Đông, SPGông Hồ Bửu Phương được yêu cầu phối hợp thực hiện. Ông Kwok có dự buổi giới thiệu trái phiếu An Đông được tổ chức tại Khách sạn Daewoo, Hà Nội.

Ông Kwok thừa nhận An Đông không có nhu cầu huy động gần 25.000 tỷ đồng trong năm 2018 2019 để hợp tác với SPG mà việc phát hành trái phiếu là chủ trương của bà Lan.

Ông Kwok xác nhận đã ký hợp thức các hồ sơ, thủ tục do ông Nguyễn Hữu Hiệu (Phó Tổng Giám đốc Tài chính Công ty An Đông, Bất động sản Winsor) và bà Trương Thị Kim Lài (Kế toán trưởng Công ty An Đông) đưa để An Đông phát hành trái phiếu.

Tương tự, các hồ sơ do ông Kwok ký gồm: Một hợp đồng hợp tác đầu tư giữa An Đông và SPG về việc đầu tư dự án Mũi Đèn Đỏ (trong đó An Đông chịu trách nhiệm chính trong việc huy động vốn cho dự án); 11 hợp đồng ký với 5 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VIPD, VN Group, Công ty Đầu tư VTP, DUC, WMC) mua sơ cấp trái phiếu do An Đông phát hành; 5 hợp đồng hợp tác vay tiền (An Đông cho SPG vay tổng cộng 29.206 tỷ đồng với kỳ hạn 5 năm, lãi suất 11%/năm); 69 ủy nhiệm chi để An Đông chuyển hơn 25.170 tỷ cho SPG.

Ông Trương Vincent Kinh và ông Kwok Hakman Oliver bị cáo buộc phạm vào tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Khoản 4, Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015, với vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt hơn 25.000 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra xét vai trò của hai ông là người làm công hưởng lương, làm theo sự chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi; đã ăn năn hối cải, thành khẩn khai báo với Cơ quan điều tra; có nhân thân tốt; phạm tội lần đầu, gia đình đã nộp tiền khắc phục một phần hậu quả nên đề nghị xem xét khi lượng hình.

Sài Gòn Peninsula - mắc xích trong đường dây chuyển tiền ra nước ngoài trái phép

Tài liệu điều tra xác định các nhân sự của SPG (gọi chung là nhóm SPG) còn là trung tâm của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát trong việc thành lập, quản lý hàng nghìn công ty “ma” (không có bộ máy nhân sự, không có hoạt động thực tế), cùng hàng nghìn cá nhân được thuê, bộ phận kế toán quản lý các công ty để phục vụ cho các hoạt động tài chính của tập đoàn (vay vốn, phát hành trái phiếu, mua bán, chuyển nhượng cổ phần, tài sản...).

Ngoài ra, SPG còn có hoạt động chuyển tiền quốc tế với giá trị lớn. Trong đó, giai đoạn 7/3/2018 - 1/8/2022, SPG là một trong ba công ty đã nhận về 35 triệu USD (hơn 800 tỷ đồng) và chuyển ra nước ngoài hơn 256,6 triệu USD (hơn 5.940 tỷ đồng). Trong số tiền chuyển ra nước ngoài có hơn 199,7 triệu USD (hơn 4.600 tỷ đồng) có nguồn từ phạm tội “Tham ô tài sản” thông qua các khoản vay khống tại SCB.

Nguyên Ngọc