|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cựu cục trưởng thanh tra: 'Cả đời cống hiến bị hủy bỏ bởi một lần sai phạm'

16:40 | 21/11/2024
Chia sẻ
Trong 10 phút tự bào chữa, bà Đỗ Thị Nhàn nói đã cống hiến tận lực cho ngành ngân hàng gần 30 năm, nhưng đã mất hết vì sai phạm nhận 5,2 triệu USD của SCB.

Ngày 21/11, phiên tòa xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, 68 tuổi, Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cùng 47 người và các đơn vị, tổ chức liên quan, tiếp tục với phần bào chữa cho nhóm bị cáo thuộc Đoàn thanh tra về các sai phạm tại SCB.

Tự bào chữa, bị cáo Đỗ Thị Nhàn, cựu cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng II thuộc Ngân hàng Nhà nước, xin HĐXX ghi nhận sự cống hiến tận tâm, tận lực trong gần 30 công tác trong ngành ngân hàng.

Bản án sơ thẩm hồi tháng 4 tuyên phạt bà Nhàn án chung thân về tội Nhận hối lộ, xác định bị cáo chỉ đạo đoàn thanh tra, chịu trách nhiệm chính về kết quả thanh tra SCB. Bị cáo đã gặp gỡ bà Trương Mỹ Lan thỏa thuận về việc "làm mờ sai phạm" và 4 lần nhận tiền từ SCB thông qua Võ Tấn Hoàng Văn, tổng cộng 5,2 triệu USD. Từ đó, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới báo cáo và ban hành dự thảo kết luận thanh tra không trung thực, bao che, bưng bít sai phạm của SCB.

Bà Đỗ Thị Nhàn tại tòa phúc thẩm. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Cầm tờ giấy đã chuẩn bị sẵn, bà Nhàn trình bày, thời điểm thanh tra SCB đã báo cáo đầy đủ sai phạm, thực trạng ngân hàng. Từ khi bị bắt bản thân đã nhận thức có sai phạm nên đã khắc phục hậu quả ngay từ đầu.

"Bị cáo cả một đời cống hiến đã bị hủy hoại bởi một lần sai phạm. Mong HĐXX xem xét để bị cáo sớm trở về với gia đình, điều trị bệnh...", bà Nhàn nghẹn giọng, im lặng.

HĐXX sau đó đề nghị bị cáo bình tĩnh và không nhắc lại những gì luật sư đã trình bày trước đó.

Cựu cục trưởng nói bản thân đang có nhiều bệnh mãn tính, có nhiều tình tiết giảm nhẹ chưa được cấp sơ thẩm chấp nhận như: có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác; được Chủ tịch nước tặng huân chương lao động, Chính phủ tặng bằng khen và nhận nhiều kỷ niệm chương, bằng khen vì sự nghiệp ngân hàng... xin tòa xem xét.

Trước đó, bào chữa cho bà Nhàn, luật sư đặt vấn đề tại cấp sơ thẩm, đại diện VKS đã đề xuất áp dụng bốn tình tiết giảm nhẹ nhưng tòa chỉ áp dụng tình tiết "người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải" mà không áp dụng các tình tiết giảm nhẹ còn lại. Do đó, luật sư đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét áp dụng thêm các tình tiết giảm như: người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án; có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.

Bà Trương Mỹ Lan tại tòa phúc thẩm. (Ảnh: Quỳnh Trần)

Theo luật sư, ngay từ khi bị bắt bị cáo Nhàn đã nhận thức được hành vi sai trái của mình, có đơn thú tội và hỗ trợ cơ quan điều tra xem xét những sai phạm, thực trạng tại SCB. Sau phiên sơ thẩm, ngoài việc đã nộp đủ 5,2 triệu USD, bà Nhàn đã nộp thêm một 1 tỷ đồng dù bản án sơ thẩm không tuyên buộc. Do đó, luật sư không đồng tình với quan điểm của đại diện VKS tại phiên toà phúc thẩm cho rằng "tuy bị cáo Nhàn có ăn năn hối cải và nộp khắc phục hậu quả nhưng không có căn cứ để xem xét giảm nhẹ".

Luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét áp dụng Nghị Quyết 03/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quy định về đường lối xử lý, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước để xem xét áp dụng chính sách khoan hồng đặc biệt đối với thân chủ.

Tương tự, một số bị cáo khác nằm trong đoàn thanh tra cũng xin HĐXX xem xét bối cảnh, nguyên nhân phạm tội để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt.

Phiên tòa chiều nay tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và bị cáo còn lại và tranh luận của một số người liên quan.

Theo bản án sơ thẩm, trong 10 năm thâu tóm SCB bà Lan và đồng phạm đã gây thiệt hại cho ngân hàng 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Ngoài xác định bà Lan phải bồi thường số tiền trên, tòa tuyên phạt bị cáo 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; 20 năm tù về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng và tử hình về tội Tham ô tài sản. Tổng hợp hình phạt, bị cáo phải chấp hành án tử hình.

Trong vụ án này, bà Đỗ Thị Nhàn và 3 cựu lãnh đạo của SCB gồm Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu chủ tịch SCB và Võ Tấn Hoàng Văn bị phạt tù chung thân.

81 bị cáo khác bị tuyên phạt từ 3 năm tù treo đến 20 năm tù về loạt tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng; Tham ô tài sản; Thiếu trách nhiệm; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Hải Duyên