|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Các luật sư xin cho bà Trương Mỹ Lan 'cơ hội được sống' như thế nào

08:30 | 17/11/2024
Chia sẻ
Bào chữa cho bà Trương Mỹ Lan, luật sư nói "có 2 điều cầu mong" là VKS thay đổi quan điểm đề nghị và HĐXX chấp nhận thỉnh cầu của thân chủ - cho bà cơ hội được sống, để khắc phục hậu quả.

"Nếu điều đó xảy ra, nếu HĐXX cho bà Lan một cơ hội được sống thì sẽ có ít nhất 4 lợi ích đạt được", luật sư Giang Hồng Thanh - một trong 5 người bào chữa cho bà Lan, trình bày tại phiên tòa xem xét kháng cáo của bà Trương Mỹ Lan, Chủ tịch Vạn Thịnh Phát, và 47 người khác, chiều 15/11.

Ông Thanh phân tích, bà Lan đã nhìn nhận được sai phạm của mình, nếu có cơ hội sống bị cáo sẽ thấy được sự khoan hồng của pháp luật, chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước đối với người phạm tội. Và khi nhìn nhận được lỗi lầm, thân chủ của ông sẽ tích cực phối hợp với các cơ quan tố tụng khắc phục hậu quả vụ án.

"Nếu bà Lan được sống, các dự án đang bị đình trệ sẽ được hồi sinh", luật sư nói. Trong đó có siêu dự án Amigo (Tứ giác Nguyễn Huệ), Mũi Đèn Đỏ... mang lại nguồn thu đặc biệt lớn cho ngân sách Nhà nước, tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, mang lại hình ảnh tươi đẹp cho TP HCM. Việc này, theo luật sư, sẽ khiến nhà đầu tư nước ngoài an tâm, tin tưởng vào chính sách kêu gọi thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước; doanh nghiệp trong nước thấy rõ chủ trương khuyến khích và an toàn khi thực hiện đầu tư.

Bà Trương Mỹ Lan trao đổi với luật sư Giang Hồng Thanh tại tòa. Ảnh: Trần Quỳnh

Còn luật sư Phan Trung Hoài, trước khi kết thúc phần bào chữa cho bà Lan, đã nhắc đến câu tục ngữ cổ Trung Đông có câu: "Ngay cả lúc bầu trời đen tối nhất, vẫn sẽ có những ngôi sao sáng chiếu rọi khắp nơi...".

"Những ngôi sao ấy chính là hy vọng. Có hy vọng, chúng tôi tin bà Lan sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này", ông Hoài nói, thêm rằng trong hoàn cảnh hiện nay "ngôi sao hy vọng" mà bà Lan hướng tới chính là sự nhìn nhận, xem xét, đánh giá khách quan, công bằng và nhân văn của HĐXX, VKS trước hoàn cảnh đau xót "mang tính định mệnh" không thể nói bằng lời của bản thân bà và gia đình.

"Nếu được xem xét, chúng tôi nghĩ phán quyết của HĐXX sẽ tạo cơ hội cho bà Lan có cơ hội được sống, tiếp tục thực hiện lời cam kết chịu toàn bộ về trách nhiệm dân sự, để có thể có giải pháp hiệu quả thực sự nhằm khắc phục hậu quả vụ án", luật sư Hoài nói.

'Bà Trương Mỹ Lan đã khắc phục được 323.052 tỷ đồng'

Ngoài phần thỉnh cầu cho bà Lan được giảm án tử hình, các luật sư cũng đưa ra nhiều căn cứ phân tích cho đề nghị của mình.

Luật sư Thanh đề nghị HĐXX xem xét kỹ nhiều bất cập trong phương pháp tính toán số tiền chiếm đoạt, thiệt hại của SCB. Nếu tính đúng, tính đủ, bà Lan không bị quy kết nhiều như vậy, dẫn đến trách nhiệm hình sự của bà Lan bớt nặng nề.

"Việc tính toán về số tiền bị quy buộc không có nghĩa bà Lan từ chối trách nhiệm trả lại tiền cho SCB để ngân hàng trả cho Ngân hàng Nhà nước. Bà Lan cũng khẳng định đây là hai vấn đề tách bạch và luôn cam kết dùng mọi tài sản có được để trả cho SCB, kể cả khi HĐXX có tính toán giảm số tiền quy buộc chiếm đoạt xuống cho bà Lan", luật sư nói.

Luật sư Phan Trung Hoài, Phan Minh Hoàng, 2 trong 5 luật sư bào chữa cho bà Lan. Ảnh: Hải Duyên

Bản án sơ thẩm xác định bà Lan chiếm đoạt 415.666 tỷ đồng (nợ gốc) của SCB. HĐXX áp dụng nguyên tắc có lợi trừ đi 111.570 tỷ đồng là giá trị tài sản đảm bảo được Công ty Hoàng Quân định giá và SCB chấp nhận. Số tiền còn lại quy buộc bà Lan chiếm đoạt là 304.096 tỷ.

Luật sư cho rằng, số tiền này không chính xác. Cần phải áp dụng công thức để tính số tiền chiếm đoạt là: 415.666 - 295.940 (giá trị định giá 726/1.166 mã tài sản đảm bảo; tài sản cố định của SCB; các khoản vay đã bán nợ cho VAMC, cấn trừ nợ, bán tài sản trả chậm...) - 5.000 tỷ (tiền tăng vốn điều lệ) - giá trị của 440 tài sản đảm bảo chưa được Công ty Hoàng Quân định giá.

Từ các con số trên, nếu tính tổng giá trị tài sản đã được định giá cùng với tiền gia đình bà Lan đã khắc phục cho đến nay cũng như tiền thu hồi từ các tổ chức cá nhân phải hoàn trả cho bà Lan thì số tiền khắc phục được xác định khoảng 323.052 tỷ đồng - tương đương 3/4 số tiền bị cáo buộc chiếm đoạt. Con số này chưa bao gồm giá trị của 440 mã tài sản chưa được định giá và 658 mã tài sản đang bị kê biên không bảo đảm cho bất kỳ nghĩa vụ nào.

Đối với 193.169 tỷ đồng lãi suất trên số nợ gốc mà bản án sơ thẩm buộc bà Lan phải bồi thường, theo luật sư, SCB không còn quyền yêu cầu thanh toán lãi suất đối với các khoản vay này - bởi quá 3 năm từ thời điểm người vay không trả tiền SCB chưa khởi kiện yêu cầu thanh toán.

Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (phải), một trong 5 người bào chữa cho bà Lan. Ảnh: Hải Duyên

Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang cho rằng, nếu tạm chấp nhận giá trị định giá của các mã tài sản hiện có trong vụ án, để đối chiếu về con số thì giá trị tài sản của bà Lan đủ khắc phục hậu quả - đáp ứng việc được áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả).

Ngoài ra, theo luật sư Huyền Trang, các hành vi sai phạm của bà Lan diễn ra trong 10 năm, được phân chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn một từ năm 2012 đến trước ngày 1/1/2018 (thời điểm Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực), bà Lan bị kết tội Vi phạm về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Giai đoạn 2 đến ngày 7/10/2022, bà Lan bị kết tội Tham ô tài sản trong lĩnh vực kinh tế tư nhân.

"Như vậy cùng một hành vi, một ý thức xuyên suốt từ những năm 2012 đến khi bị khởi tố, mà bà Lan bị truy tố về hai tội danh. Điều này là bất lợi cho bị cáo", luật sư Trang nói, thêm rằng đây là vụ án Tham ô tài sản đầu tiên trong lĩnh vực tư nhân bị xét xử và tuyên án mức án tử hình. Trong khi đó, suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử bà Lan luôn nhận trách nhiệm, chưa từng đổ lỗi cho bất kỳ ai, và cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại.

Từ các căn cứ trên cùng với việc bà Lan còn có Huân chương Lao Động; 31 bằng khen và nhiều tình tiết giảm nhẹ khác, luật sư Trang đề nghị VKS chấp nhận quan điểm bào chữa của luật sư và có kết luận lại đối với tội Tham ô tài sản, để giảm hình phạt từ tử hình xuống chung thân cho bà Lan.

Trước đó, nêu quan điểm giải quyết đơn kháng cáo của bà Lan, VKS ghi nhận thêm tình tiết thành khẩn khai báo, cam kết khắc phục toàn bộ thiệt hại... đề nghị HĐXX giảm nhẹ từ 20 năm xuống 16-18 năm tù về tội Vi phạm quy định cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, VKS giữ nguyên quan điểm của tòa sơ thẩm, xác định bà Lan có vai trò cầm đầu, phạm tội mang tính chất tinh vi... nên dù có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ vẫn chưa đủ để giảm nhẹ đối với 2 tội còn lại. Từ đó, VKS đề nghị y án tử hình về tội Tham ô tài sản và 20 năm tù về tội Đưa hối lộ; tổng hợp hình phạt bà Lan phải chịu là tử hình.

Các cơ quan tố tụng xác định, trong 10 năm thâu tóm SCB, bà Lan đã chỉ đạo đồng phạm giải ngân cho nhóm công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát tổng cộng hơn 2.500 khoản vay. Đến tháng 10/2022, nhóm bà Lan và Vạn Thịnh Phát còn gần 1.300 khoản vay dư nợ 677.000 tỷ đồng gốc và lãi. Tòa xác định đây là số tiền thiệt hại của vụ án và bà Lan có nghĩa vụ phải bồi thường cho SCB.

Phiên tòa tiếp tục với phần bào chữa của các luật sư và bị cáo vào ngày 18/11.

Hải Duyên

Top 10 địa phương IIP cao nhất 11 tháng: Phú Thọ bất ngờ dẫn đầu
Trong 11 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 43 địa phương trên cả nước cho thấy tín hiệu tích cực của ngành sản xuất. Trong đó các địa phương có IIP tăng cao chủ yếu nhờ hoạt động thuỷ điện hoặc chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh.