|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

15 năm kết duyên giữa VIB và 'rể ngoại' Commonwealth Bank of Australia

19:26 | 14/06/2024
Chia sẻ
Trong gần 15 năm qua, Commonwealth Bank of Australia (CBA) đã đóng góp công nghệ, các sản phẩm, cách tiếp cận với khách hàng… cho mục đích chuyển đổi sang mảng bán lẻ của VIB. Liệu ai sẽ thay thế CBA trong vai trò này khi ngân hàng này rời đi?

“Cuộc tình” 15 năm sắp đến hồi kết?

Ngày 11/6, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (Mã: VIB) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 nhằm thông qua việc giảm tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ 20,5% xuống còn 4,99%, hiệu lực từ ngày 1/7.

Diễn biến này xảy ra sau khi xuất hiện nhiều đồn đoán về khả năng Commonwealth Bank of Australia (CBA) thoái vốn khỏi VIB. 

VIB và CBA ký kết thỏa thuận chuyển giao CBA Chi nhánh TP HCM năm 2017. (Ảnh: VIB).

Tại đại hội, nhiều cổ đông cũng đã thắc mắc về việc VIB giới hạn room ngoại ở mức 4,99% có ảnh hưởng tới việc thoái vốn của cổ đông chiến lược Commonwealth Bank of Australia (CBA), lộ trình thoái vốn của CBA và liệu VIB có tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược thay thế CBA hay không?

Theo ghi nhận của Chứng khoán Vietcap, ban lãnh đạo VIB cho biết mới chỉ biết tới mục tiêu thoái vốn của CBA sau khi được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trả lại văn bản chấp thuận thoái vốn. Hiện tại, VIB chưa có thông tin chi tiết về kế hoạch thoái vốn cụ thể sắp tới của CBA.

Thực tế, kế hoạch thoái vốn khỏi VIB đã phần nào được hé lộ trong những kỳ ĐHĐCĐ những năm gần đây. Vào năm 2019, CBA đã có động thái rút khỏi HĐQT của VIB. Mặc dù khẳng định chưa rời bỏ VIB, nhưng đại diện CBA khi đó cho biết "đang có chiến lược trở thành ngân hàng gọn nhẹ hơn và trong quá trình đánh giá lại các khoản đầu tư trên toàn cầu". 

Tính đến thời điểm hiện tại, CBA vẫn đang là cổ đông lớn nhất của VIB, nắm gần 20% vốn điều lệ của ngân hàng. 

 

Ngân hàng hàng đầu Australia

CBA là một trong những ngân hàng hàng đầu tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. CBA có vốn hóa 139 tỷ USD, đứng thứ 13 trên toàn thế giới. Đây cũng là cổ đông chiến lược có vốn hóa lớn nhất của các ngân hàng Việt Nam, vượt qua Mitsubishi UFJ (VietinBank), Sumitomo Mitsui (VPBank) hay Mizuho (Vietcombank) ....

Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của CBA đạt hơn 870 tỷ USD, đứng thứ 39 trên toàn cầu và dẫn đầu tại Australia. Trong năm tài chính 2023 (kết thúc vào 30/6), CBA đã ghi nhận lợi nhuận sau thuế là 10,2 tỷ USD, tăng 5,3% so với năm trước. Để so sánh, lợi nhuận sau thuế của 29 ngân hàng Việt Nam trong năm 2023 (bao gồm 27 ngân hàng niêm yết và BaoViet Bank, Agribank) mới đạt khoảng hơn 9 tỷ USD. 

Ngoài khoản đầu tư tại VIB, CBA cũng đang góp vốn ở Bank of Hangzhou, Qilu Bank của Trung Quốc và có ngân hàng con PT Bank Commonwealth tại Indonesia. Vào cuối năm 2023, CBA đã công bố thỏa thuận bán 99% cổ phần tại PT Bank Commonwealth cho OCBC Indonesia với giá khoảng 220 triệu USD. Thỏa thuận vẫn đang được các cơ quan chức năng xem xét.

Cuộc hành trình 15 năm

VIB đã có gần 30 năm hình thành và phát triển. Nhà băng này đã thành lập từ năm 1996 với vốn điều lệ ban đầu là 50 tỷ đồng. Mặc dù có lịch sử gần 30 năm, VIB chỉ thực sự lột xác kể từ năm 2010, khi bắt đầu đón đối tác chiến lược là CBA và bắt đầu theo định hướng bán lẻ.

Lợi nhuận VIB không quá ấn tượng trước khi có được cổ đông chiến lược là CBA và chuyển đổi mô hình kinh doanh. 

Trước năm 2010, VIB là một ngân hàng nhỏ với tổng dư nợ cho vay chưa tới 50.000 tỷ đồng. Thời điểm đó, VIB thiên về tín dụng bán buôn, với tỷ trọng dư nợ cho vay bán lẻ thường dưới 50%. 

Năm 2010, VIB tiến hành tăng vốn điều lệ từ 2.400 tỉ đồng lên 4.000 tỉ đồng và chính thức đón CBA trở thành cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần sau một khoảng thời gian đàm phán từ năm 2009. Một năm sau đó, tổ chức này đã nâng mức sở hữu tại VIB từ 15% lên 20%.

Cùng với việc đón cổ đông chiến lược, VIB cũng đã thực hiện những bước chuyển mình để trở thành một ngân hàng chuyên về cho vay bán lẻ, với tỷ trọng cho vay cá nhân đứng đầu tại Việt Nam. Có thể nói, hành trình chuyển dịch mô hình kinh doanh của VIB luôn có sự song hành của 'rể ngoại' CBA. 

Từ năm 2017, dư nợ bán lẻ của VIB luôn trên 50%, có thời điểm lên tới 90%. 

Ngoài sự hỗ trợ từ nguồn vốn thu được từ thương vụ bán cổ phần (khoảng 4.000 tỷ đồng), từ năm 2009, CBA cũng cử các chuyên gia ngân hàng sang hỗ trợ VIB trong những hoạt động kinh doanh quan trọng như ngân hàng bán lẻ, công nghệ ngân hàng, quản lý rủi ro, quản trị nguồn nhân lực, tài chính và nguồn vốn.

CBA đã tiến hành chuyển giao công nghệ ngân hàng, chuyển giao năng lực để tăng cường khả năng hoạt động và kinh doanh của VIB. 

Sang đến năm 2017, quan hệ giữa VIB và CBA tiếp tục được nâng cấp khi ngân hàng chính thức nhận chuyển giao kinh doanh CBA Chi nhánh TP HCM. Giá trị thương vụ không được tiết lộ. Thời điểm 2017 cũng đánh dấu sự chuyển đổi mạnh mẽ và nhanh chóng trong nỗ lực chuyển dịch sang tín dụng bán lẻ của VIB. 

Tại ĐHĐCĐ 2018, khi được hỏi về vai trò của thương vụ này ông Đặng Khắc Vỹ cho biết việc mua lại CBA Chi nhánh TP HCM không đóng góp nhiều vào mạng lưới. Doanh thu từ CBA chiếm khoảng 1.000 đến 2.000 tỷ đồng, trên tổng doanh thu bán lẻ là 6.000 tỷ đồng. 

Điều quan trọng là CBA đóng góp quy trình, công nghệ, các sản phẩm, cách tiếp cận với khách hàng… cho mục đích phục vụ cho hoạt động bán lẻ. VIB sẽ nhân rộng mô hình đó của CBA ra các chi nhánh..., ông Vỹ cho hay. Chủ tịch VIB lấy ví dụ rằng ứng dụng ngân hàng MyVIB hợp tác cùng với CBA đã nhận được nhiều đáng giá tích cực.

Nhờ sự hỗ trợ của CBA, vào năm 2018 VIB được chấp thuận là ngân hàng tư nhân đầu tiên đủ điều kiện áp dụng chuẩn mực Basel II và hoàn thành cả ba trụ cột vào năm 2019. Đến năm 2020, VIB đã bắt đầu triển khai Basel III, đi đầu trong ngành ngân hàng. 

Kể từ sau khi đón đối tác ngoại, tỷ trong thu dịch vụ của VIB ngày càng tăng nhờ triển khai đa dạng các sản phẩm.

Dấu hỏi về cổ đông chiến lược mới

Khi các ngân hàng trong nước đều tìm kiếm cho mình những đối tác ngoại nhằm hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng cao, cổ đông chiến lược nào sẽ thay thế trong trường hợpCommonwealth Bank of Australia rời đi được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm. 

Chứng khoán Vietcap đánh giá rằng việc giảm room ngoại xuống 4,99% sẽ cho phép VIB chủ động trong việc lựa chọn đối tác chiến lược tiềm năng và tận dụng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nếu ngân hàng có kế hoạch huy động vốn trong tương lai.

Ngược lại, Chứng khoán SSI lại tỏ ra e ngại động thái hạ room ngoại của VIB sẽ ảnh hưởng đến giá thoái vốn khi CBA chỉ có thể bán cho nhà đầu tư trong nước. Ngoài ra, SSI cho biết kế hoạch thoái vốn của họ không thay đổi kể từ năm 2018 và dự báo sẽ không có thỏa thuận khối lượng và giá bán tại thời điểm này.

Ban lãnh đạo cho biết VIB sẽ tìm kiếm đối tác chiến lược mới sau khi CBA thoái vốn, SSI thông tin. Tuy nhiên, các nhà phân tích cũng cho rằng, việc tìm kiếm đối tác chiến lược có thể bị ảnh hưởng sau quyết định giảm tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Minh Quang