|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chức năng Phương tiện trao đổi (Medium of Exchange) của tiền tệ là gì?

12:00 | 10/09/2019
Chia sẻ
Chức năng Phương tiện trao đổi (tiếng Anh: Medium of Exchange) của tiền tệ đóng vai trò môi giới giúp cho việc trao đổi được thực hiện dễ dàng.
fff

Hình minh họa (Nguồn: carousell)

Phương tiện trao đổi (Medium of Exchange)

Phương tiện trao đổi - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Medium of Exchange.

Tiền tệ được xã hội sử dụng với tư cách là vật trung gian trong quá trình trao đổi hàng hoá các hàng hóa trước tiên sẽ được đổi ra tiền sau đó người ta dùng tiền đó để đổi lấy hàng hóa khác. Do vậy, Phương tiện trao đổi hàng hóa trong nền kinh tế là một chức năng của tiền tệ. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)

Khi thực hiện chức năng này, tiền tệ chỉ đóng vai trò môi giới giúp cho việc trao đổi thực hiện được dễ dàng, do vậy tiền chỉ xuất hiện thoáng qua trong trao đổi mà thôi (người ta bán hàng hóa của mình lấy tiền rồi dùng nó để mua những hàng hóa mình cần).

Trong trao đổi, người ta đổi hàng hóa lấy tiền không phải vì bản thân nó mà vì những gì nó sẽ đổi được. Tiền tệ được xem là phương tiện chứ không phải là mục đích của trao đổi. 

Vì vậy tiền tệ thực hiện chức năng phương tiện trao đổi không nhất thiết phải là tiền tệ có đầy đủ giá trị. Dưới dạng dấu hiệu giá trị đã được xã hội thừa nhận (như tiền giấy), tiền tệ vẫn có thể phát huy được chứng năng phương tiện trao đổi.

Ý nghĩa chức năng phương tiện trao đổi của tiền tệ

Việc dùng tiền tệ làm phương tiện trao đổi đã giúp đẩy mạnh hiệu quả của nền kinh tế qua việc khắc phục những hạn chế của trao đổi hàng hóa trực tiếp, đó là những hạn chế về nhu cầu trao đổi (chỉ có thể trao đổi giữa những người có nhu cầu phù hợp), hạn chế về thời gian (việc mua và bán phải diễn ra đồng thời), hạn chế về không gian (việc mua và bán phải diễn ra tại cùng một địa điểm). 

Bằng việc đưa tiền vào lưu thông, con người đã tránh được những chi phí về thời gian và công sức dành cho việc trao đổi hàng hóa. Nhờ đó, việc lưu thông hàng hóa cũng có thể  diễn ra nhanh hơn, sản xuất cũng được thuận lợi, tránh được ách tắc, tạo động lực cho kinh tế phát triển.

Với chức năng này, tiền tệ được ví như chất dầu bôi trơn giúp cho guồng máy sản xuất và lưu thông hàng hóa hoạt động trơn tru, dễ dàng, hiệu quả.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt chức năng này, đòi hỏi đồng tiền phải được thừa nhận rộng rãi, lượng tiền tệ phải được cung cấp đủ để đáp ứng nhu cầu trao đổi trong mọi hoạt động kinh tế, đồng thời hệ thống tiền tệ phải bao gồm nhiều mệnh giá để đáp ứng mọi qui mô giao dịch.

Rõ ràng, đối với từng chủ thể trong nền kinh tế, tiền tệ có giá trị vì nó mang giá trị trao đổi, nhưng xét trên phương diện toàn bộ nền kinh tế thì tiền tệ không có giá trị gì cả. Sự giàu có của một quốc gia được đo lường bằng tổng sản phẩm mà nó sản xuất ra chứ không phải là số tiền tệ mà nó nắm giữ.

Lí do là vì, xét trên phương diện đó, tiền tệ chỉ xuất hiện trong nền kinh tế để thực hiện chức năng môi giới, giúp trao đổi dễ dàng hơn chứ không tạo thêm một giá trị vật chất nào cho xã hội. Nó đóng vai trò bôi trơn guồng máy kinh tế chứ không phải yếu tố đầu vào hay đầu ra của guồng máy đó. (Theo Giáo trình Tiền tệ Ngân hàng, NXB Thống kê)

Khai Hoan Chu