Cho vay ứng trước (Advance Credit) là gì? Các loại cho vay ứng trước
Hình minh họa (Nguồn: Debt.org)
Cho vay ứng trước (Advance Credit)
Cho vay ứng trước - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Advance Credit.
Cho vay ứng trước là hình thức cho vay trong đó ngân hàng cung cấp cho người đi vay một khoản tiền vay nhất định để sử dụng trước. Người đi vay chỉ phải trả lãi vào lúc hoàn trả vốn gốc. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)
Các loại cho vay ứng trước
Cho vay ứng trước có bảo đảm
1. Bảo đảm bằng các động sản như hàng hóa, tài sản hay chứng từ (cho vay cầm cố):
Là cho vay trên cơ sở cầm cố tại ngân hàng các tài sản, có thể là hiện vật như vật tư hàng hóa, hoặc là giấy tờ như các giấy tờ sở hữu hàng hóa (B/L, giấy lưu kho, lưu bãi container), các chứng từ thanh toán (bộ chứng từ đòi tiền người nhập khẩu B/E, chứng từ gửi hàng), chứng từ có giá (thương phiếu, chứng khoán,...) thậm chí cả vàng, bạc, đá quí, ngoại tệ...
Số tiền cho vay bằng một tỉ lệ phần trăm của giá trị tài sản cầm cố, tỉ lệ này cao hay thấp là tùy vào quan hệ của ngân hàng và khách hàng, vào uy tín của khách hàng. Ngân hàng sẽ quản lí tài sản cầm cố trong suốt thời hạn vay và chỉ hoàn lại khi thu đủ nợ (gốc và lãi).
Trong trường hợp người đi vay không có khả năng trả nợ khi đến hạn, ngân hàng có quyền bán tài sản cầm cố để thu nợ.
2. Bảo đảm bằng bất động sản như đất đai, nhà cửa (cho vay thế chấp):
Là cho vay trên cơ sở nắm giữ các giấy tờ chứng thực quyền sở hữu hợp pháp về bất động sản đem thế chấp. Cho vay thế chấp khác với cho vay cầm cố ở chỗ trong thời hạn vay người đi vay vẫn được phép sử dụng tài sản thế chấp, ngân hàng chỉ nắm giữ hồ sơ gốc.
3. Bảo đảm bằng bảo lãnh của bên thứ ba (cho vay có bảo lãnh):
Bên bảo lãnh lập hồ sơ bảo lãnh tại ngân hàng và cam kết hoàn trả nợ nếu bên đi vay không có khả năng thanh toán. Ngân hàng cũng có thể đề nghị bên bảo lãnh phải có tài sản cầm cố, thế chấp tại ngân hàng.
Cho vay ứng trước không có bảo đảm
Là cho vay chỉ dựa vào uy tín của khách hàng đối với Ngân hàng mà không cần có tài sản cầm cố, thế chấp hoặc sự bảo lãnh. Do vậy còn gọi là cho vay tín chấp.
Trong trường hợp này, ngân hàng quyết định cho vay thông qua việc đánh giá các chỉ tiêu như mức vốn tự có, lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp, triển vọng của doanh nghiệp cũng như năng lực, phẩm chất của người quản lí công ty...
Trên thực tế đó là các khách hàng có uy tín, có quan hệ thường xuyên với ngân hàng hoặc những doanh nghiệp lớn. (Theo Giáo trình Ngân hàng Thương mại, NXB Thống kê)