Chính sách thương mại quốc tế (International trade policy) là gì?
Hình minh họa (Nguồn: independent)
Chính sách thương mại quốc tế
Khái niệm
Chính sách thương mại quốc tế trong tiếng Anh gọi là: International trade policy.
Chính sách thương mại quốc tế là:
Một hệ thống những quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, công cụ và biện pháp thích hợp mà Nhà nước sử dụng để điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế của mỗi quốc gia trong một thời kì nhất định, nhằm đạt được các mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia đó.
Vai trò của chính sách thương mại quốc tế
Môi trường kinh tế thế giới còn chịu sự chi phối và tác động của nhiều mối quan hệ chính trị và các mục tiêu phi kinh tế khác cho nên chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia cũng phải đáp ứng nhiều mục tiêu khác nhau.
Nhiệm vụ của chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia có thể thay đổi qua mỗi thời kì nhưng đều có mục tiêu chung là điều chỉnh các hoạt động thương mại quốc tế theo chiều hướng có lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nhiệm vụ này thể hiện trên hai mặt sau đây:
- Một là, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước xâm nhập và mở rộng thị trường ra nước ngoài, tham gia mạnh mẽ vào phân công lao động quốc tế và mậu dịch quốc tế, khai thác triệt để lợi thế so sánh của nền kinh tế trong nước.
- Hai là, bảo vệ thị trường nội địa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước đứng vững và vươn lên trong hoạt động kinh doanh quốc tế, đáp ứng yêu cầu tăng cường lợi ích quốc gia.
Để thực hiện nhiệm vụ trên, chính sách thương mại quốc tế bao gồm nhiều bộ phận khác nhau và có liên quan hữu cơ với nhau: chính sách mặt hàng, chính sách thị trường và chính sách hỗ trợ.
Các chính sách này có thể gây ra tác động thúc đẩy hay điều chỉnh sự phát triển của hoạt động thương mại quốc tế.
Chính sách thương mại quốc tế là một bộ phận trong chính sách kinh tế đối ngoại của một quốc gia. Chính sách kinh tế đối ngoại bao gồm chính sách thương mại quốc tế (chính sách ngoại thương); chính sách đầu tư nước ngoài; chính sách cán cân thanh toán quốc tế;…
Chính sách kinh tế đối ngoại cùng với chính sách ngoại giao tạo thành chính sách đối ngoại của một quốc gia. Chúng lại là bộ phận cấu thành của chính sách phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước. Vai trò của chính sách thương mại quốc tế thể hiện:
Chính sách thương mại quốc tế phục vụ cho sự phát triển kinh tế của đất nước, hỗ trợ mạnh mẽ cho quá trình tái sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của đất nước, hình thành qui mô và phương thức tham gia của nền kinh tế mỗi nước vào phân công lao động quốc tế.
Ngoài ra, nó có vai trò to lớn trong việc khai thác triệt để lợi thế so sánh của nền kinh tế, phát triển các ngành sản xuất và dịch vụ đến qui mô tối ưu, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế và nâng cao hiệu quả của các hoạt động kinh tế.
Các công cụ chủ yếu của chính sách thương mại quốc tế
- Thuế quan (Tariff)
- Hạn ngạch (Quota)
- Giấy phép (Licence)
- Hạn chế xuất khẩu tự nguyện (Voluntary export restraint – VER)
- Những qui định về tiêu chuẩn kĩ thuật (Technical barriers)
- Trợ cấp xuất khẩu (Export Subsidise)
- Tín dụng xuất khẩu (Export Credits)
- Bán phá giá (Dumping)
- Phá giá tiền tệ (Exchange Dumping)
- Một số biện pháp khác
(Tài liệu tham khảo: Bài giảng Quản trị Kinh doanh Quốc tế, GS.TS. Bùi Xuân Phong, 2013, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông)