Chính sách thu nhập (Income policy) là gì? Công cụ của chính sách thu nhập
Hình minh hoạ (Nguồn: vietbao)
Chính sách thu nhập
Khái niệm
Chính sách thu nhập trong tiếng Anh được gọi là income policy.
Chính sách thu nhập là chính sách của chính phủ tác động đến tiền công, giá cả thông qua các biện pháp kiểm soát trực tiếp với mục đích chủ yếu là kiềm chế lạm phát.
Công cụ của chính sách thu nhập
Công cụ của chính sách thu nhập bao gồm các biện pháp nhằm kiểm soát mức tiền lương và giá cả hàng hoá.
- Kiểm soát giá - lương: Chính phủ đưa ra các qui định về mức trần tối đa về giá và lương nhằm khống chế mức tăng giá chung trong nền kinh tế.
- Thoả thuận giá - lương tự nguyện: Chính phủ có thể xây dựng cơ chế thoả thuận thông qua các hiệp ước, diễn đàn đối thoại... giữa chính phủ, giới chủ và nghiệp đoàn để thống nhất không tăng giá và lương hoặc tăng chậm để kiềm chế lạm phát và tạo thêm việc làm cho xã hội.
- Chính sách thu nhập dựa vào thuế: Chính phủ đánh thuế vào những lĩnh vực tăng giá hoặc trả lương cao hơn mức trần qui định hoặc trợ cấp cho những lĩnh vực có mức độ tăng giá và lương chậm.
Biện pháp này được coi như một cách nội hoá chi phí ngoại ứng do giá - lương tăng nhanh, khắc phục thất bại thị trường đang kích thích lạm phát.
Hạn chế của chính sách thu nhập
Có thể nói chính sách thu nhập là chính sách gây nhiều tranh cãi nhất trong số các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô. Những ai tin nguyên nhân gây lạm phát là do chi phí đẩy thì ủng hộ mạnh mẽ cho chính sách thu nhập, coi đây là một cách đáng tin cậy và ít tốn kém để chống lạm phát.
Còn những người cho rằng lạm phát là do cầu kéo thì chỉ xem đây như là một biện pháp bổ sung cho chính sách tài khoá.
Nói chung, chính sách này đặc biệt hữu hiệu khi áp dụng vào những lĩnh vực kinh tế bị chi phối bởi độc quyền hoặc độc quyền nhóm, nhất là trong những ngành quốc hữu hoá và hay ở những nơi mà các nghiệp đoàn lao động hoạt động mạnh và rất có tổ chức.
Những thể chế này cho phép có thể đi đến những thoả thuận tập thể về khống chế giá - lương và giám sát được việc thực thi các thoả thuận đó.
Tuy vậy, chính sách thu nhập còn gây ra nhiều hiệu ứng khác.
Do can thiệp một cách chủ quan vào tín hiệu giá cả nên chính sách này chắc chắn gây thêm trở ngại cho việc đạt hiệu quả kinh tế, có nguy cơ dẫn đến thiếu hụt và làm giảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ trên thị trường, đồng thời đòi hỏi bộ máy nhà nước cồng kềnh để thực thi chính sách.
(Tài liệu tham khảo:Giáo trình Kinh tế Công cộng, 2012, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)