Chiến lược điều chỉnh thời gian làm việc là gì? Ưu và nhược điểm
Hình minh hoạ (Nguồn: lawdonut)
Chiến lược điều chỉnh thời gian làm việc trong hoạch định tổng hợp
Khái niệm
Chiến lược điều chỉnh thời gian làm việc là một trong các chiến lược quan trọng trong hoạch định tổng hợp.
Chiến lược điều chỉnh thời gian làm việc là chiến lược mà trong đó doanh nghiệp có thể thực hiện chính sách cho người lao động làm thêm giờ ngoài qui định khi nhu cầu cao, tùy thuộc vào chế độ làm việc của người lao động theo qui định của nhà nước và công suất máy móc thiết bị của doanh nghiệp.
Ngược lại, trong giai đoạn khi nhu cầu giảm doanh nghiệp có thể giảm giờ làm và tìm biện pháp để khắc phục thời gian nhàn rỗi.
Hoạch định tổng hợp là quá trình lập kế hoạch, phân bổ và bố trí các nguồn lực có thể huy động được cho thời kì trung hạn (từ 6 tháng đến 3 năm) nhằm cân bằng khả năng sản xuất của doanh nghiệp sao cho phù hợp với nhu cầu sản xuất dự kiến và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nội dung của hoạch định tổng hợp là điều chỉnh tốc độ sản xuất, số lượng công nhân, mức độ tồn kho, thời gian làm thêm giờ và lượng hàng đặt gia công bên ngoài với mục đích là giảm thiểu chi phí sản xuất hoặc giảm thiểu sự biến động nhân lực hay mức độ tồn kho trong suốt giai đoạn kế hoạch.
Ưu và nhược điểm
Ưu điểm của chiến lược
- Linh hoạt, gắn sản xuất với thị trường
- Giúp doanh nghiệp đối phó với những biến đổi của thời vụ hoặc giai đoạn giao thời mà không tốn chi phí thuê hoặc đào tạo thêm
- Ổn định được nguồn lao động
- Giảm chi phí liên quan đến tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện, học nghề cho người lao động
- Tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người lao động khi nhu cầu cao
Nhược điểm của chiến lược
- Tốn thêm chi phí trả lương ngoài giờ
- Sản xuất không ổn định
- Năng suất lao động có thể bị giảm nếu người lao động thường xuyên làm quá sức
- Công nhân mệt mỏi dễ sai sót trong quá trình sản xuất dẫn đến sản phẩm có nhiều khuyết tật
- Có thể không đáp ứng được nhu cầu do thời gian làm việc bị hạn chế
Phạm vị áp dụng
Chiến lược điều chỉnh thời gian làm việc có thể áp dụng linh hoạt cho mọi loại hình doanh nghiệp nhất là những doanh nghiệp dịch vụ, đặc biệt là khi chênh lệch giữa cung và cầu thấp và không thường xuyên.
(Tài liệu tham khảo: Quản trị tác nghiệp, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)