|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chi phí hỗn hợp (Mixed costs) trong doanh nghiệp là gì? Đặc điểm

23:02 | 13/09/2019
Chia sẻ
Chi phí hỗn hợp (tiếng Anh: Mixed costs) đó là các khoản chi phí bao gồm cả biến phí và định phí. Biến phí và định phí lại có những đặc điểm riêng biệt.
webpnet-resizeimage-2-e1511558896573-15683901108591315626227-1568390301385509397679

Hình minh hoạ (Nguồn: softchoice)

Chi phí hỗn hợp trong doanh nghiệp

Khái niệm

Chi phí hỗn hợp hay còn gọi là bán biến phí trong tiếng Anh được gọi là mixed costs hay semivariable costs.

Chi phí hỗn hợp đó là các khoản chi phí bao gồm cả biến phí và định phí. 

Biến phí (chi phí biến đổi) đó là các khoản chi phí thường có quan hệ tỉ lệ với kết quả sản xuất hay qui mô hoạt động.

Định phí (chi phí cố định) đó là các khoản chi phí thực tế phát sinh thường không thay đổi trong phạm vi của qui mô hoạt động. 

Thông thường ở mức độ hoạt động căn bản thì chi phí hỗn hợp thể hiện định phí, khi vượt khỏi mức độ hoạt động căn bản thì chi phí hỗn hợp bao gồm cả biến phí. 

Trong thực tế hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chi phí hỗn hợp thường bao gồm chi phí sản xuất chung, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp. 

Như vậy hầu hết các khoản mục chi phí phát sinh của doanh nghiệp thường mang tính chất chi phí hỗn hợp là chủ yếu, các khoản chi phí này thường khó kiểm soát. 

Trong thực tế các nhà quản trị muốn kiểm soát các khoản chi phí hỗn hợp cần phải xác định qui mô hoạt động của doanh nghiệp và sử dụng các phương pháp tách chi phí hỗn hợp thành 2 bộ phận biến phí và định phí.

Đặc điểm

- Đặc điểm biến phí

+ Biến phí tính cho một đơn vị sản phẩm thường không thay đổi. Do vậy các nhà quản trị dựa vào đặc điểm này để xây dựng định mức biến phí góp phần kiểm soát các khoản chi phí. 

Xét theo tổng qui mô hoạt động thì biến phí thay đổi và khi đó tổng chi phí biến đổi của hoạt động thường tỉ lệ với kết quả sản xuất, trong trường hợp doanh nghiệp không hoạt động thì biến phí không phát sinh.

+ Biến phí của doanh nghiệp gồm nhiều loại khác nhau, do vậy có thể chia thành 2 loại cơ bản đó là biến phí tỉ lệ và biến phí cấp bậc. 

Biến phí tỉ lệ đó là các khoản biến phí hoàn toàn tỉ lệ thuận với kết quả sản xuất hoặc qui mô hoạt động. 

Trong thực tế các khoản chi phí phát sinh hàng ngày mang tính chất biến phí thường bao gồm khoản mục chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và các yếu tố thuộc các khoản mục chi phí khác. 

Các nhà quản trị kinh doanh muốn giảm tối thiểu các khoản chi phí cần phải biết mỗi yếu tố chi phí phát sinh mang tính chất gì, từ đó có các biện pháp kiểm soát cho phù hợp.

- Đặc điểm định phí

Trong thực tế định phí thường phức tạp hơn chi phí biến đổi vì phụ thuộc vào giới hạn của qui mô hoạt động. 

Khi giới hạn của qui mô hoạt động thay đổi thì định phí chuyển sang một lượng khác đó chính là sự biến đổi lượng, chất trong quá trình biến đổi kinh tế. 

Định phí thường có những đặc điểm sau:

+ Xét trong tổng thể giới hạn của qui mô hoạt động thì định phí thường không thay đổi, do vậy khi sản lượng sản phẩm sản xuất, tiêu thụ trong qui mô giới hạn thay đổi thì định phí tính cho một đơn vị sản phẩm thay đổi. 

Các nhà quản trị muốn cho định phí của một đơn vị sản phẩm thấp nhất cần khai thác tối đa công suất của các tài sản đã tạo ra các định phí đó.

+ Định phí trong doanh nghiệp cũng đa dạng và phong phú có thể chia thành 2 dạng cơ bản đó là định phí bộ phận và định phí chung.

Định phí bộ phận thường gắn với sự tồn tại và phát sinh của các bộ phận trong một tổ chức hoạt động. Khi bộ phận trong tổ chức hoạt động không tồn tại thì định phí đó cũng không tồn tại. 

Thuộc loại định phí bộ phận gồm chi phí khấu hao tài sản cố định theo phương pháp bình quân, tiền thuê mặt bằng nhà xưởng hàng tháng...

Định phí chung hay còn gọi là định phí bắt buộc của một tổ chức hoạt động đó là định phí thường liên quan đến cơ sở hạ tầng của một doanh nghiệp, do vậy khi một bộ phận trong tổ chức hoạt động không tồn tại thì định phí chung vẫn phát sinh. 

Thuộc loại định phí chung của doanh nghiệp bao gồm tiền thuê văn phòng của công ty, chi phí quảng cáo thương hiệu của công ty...

(Tài liệu tham khảo: Kế toán Quản trị, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi