CEO Nguyễn Tử Quảng: Tôi cũng là người thôi, cũng thấy đau khổ khi bị 'ném đá'
Đầu năm Nhâm Dần 2022, CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng đã xuất hiện trên sóng chương trình CafeTalk số đặc biệt được phát sóng vào ngày mùng 2 Tết. Chia sẻ trong chương trình về nghề nghiệp hiện tại, ông Nguyễn Tử Quảng cho rằng: "Có vẻ như khi tôi sinh ra, nghề nghiệp đã chọn tôi chứ tôi không chọn nghề nghiệp".
Và đây cũng là lần đầu tiên vị CEO BKAV chia sẻ thẳng thắn về vấn đề bị "ném đá" trên mạng xã hội khi nhiều người gọi ông là "nổ". Đồng thời cho biết, BKAV hiện vẫn sống chủ yếu dựa vào kinh doanh phần mềm, những đầu tư về phần cứng chưa cho ra được kết quả.
Từ hiệp sĩ công nghệ thông tin
Năm 1989, khi còn là học sinh chuyên toán tại trường Đại học Sư phạm, ông Nguyễn Tử Quảng đã có cơ hội tiếp xúc với một trong những chiếc máy vi tính hiện đại đầu tiên tại Việt Nam.
Sau đó, ông thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội, đồng thời cũng là một trong những sinh viên đầu tiên sở hữu máy tính. Ngày đó, ngành tin học còn khá mới mẻ, dù gia đình không phải quá khá giả, nhưng theo chia sẻ, ông Quảng vẫn may mắn khi được bố mẹ tạo điều kiện cho tiếp xúc với những gì hợp lý và phù hợp cho việc học.
"Mùa hè năm 1995, tôi mang máy tính về nhà và nghiên cứu về virus. Sau đó, tôi đã thành công trong việc hiểu được nguyên lý virus máy tính. Cuối cùng, tôi đã bắt đầu viết ra những phần mềm diệt virus từ thời điểm đó", ông Quảng nhớ lại.
Một điều đáng chú ý là trong quãng thời gian ông Quảng bắt đầu nghiên cứu về virus cũng trùng hợp với thời điểm mà các tỷ phú hàng đầu thế giới như Mark Zuckerberg, Jeff Bezos hay Bill Gates bắt đầu nền móng từ ký túc xá, garage, nhà kho,… để xây dựng những đế chế hùng mạnh sau này.
Từ đó, ông Quảng đúc kết rằng đa số những người thành công đều bắt đầu từ thời sinh viên. "Sinh viên thì không ngại gì cả, không sợ bị người ta chê cười. Đây là thời kỳ nhiệt huyết nhất trong cuộc đời", lãnh đạo BKAV chia sẻ.
BKAV bắt đầu thương mại hoá các phần mềm diệt virú từ năm 2005. Chia sẻ về điều này, CEO Nguyễn Quảng cho biết: "Tôi làm mọi thứ theo cách tự nhiên. Tôi thấy người dùng máy tính bị virus xóa dữ liệu cho nên tôi viết phần mềm để cung cấp cho mọi người mà không thu lợi.
Thậm chí, ngày đó nhóm chúng tôi có 8 người và tự bỏ tiền túi ra để làm. Mỗi khi có phiên bản mới, tôi gửi email tới từng người để họ có thể nâng cấp phần mềm nhằm diệt tốt hơn".
Tuy nhiên, một khoảng thời gian sau, nhóm của ông Quảng không thể giải quyết hết các vấn đề do có quá nhiều công việc, đó cũng chính là lúc mà cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội nghĩ tới việc thành lập doanh nghiệp.
"Nhiều bạn trẻ nghĩ tới việc thành lập doanh nghiệp để kiếm tiền. Tuy nhiên, cá nhân tôi khi đó chỉ nghĩ đến việc thành lập doanh nghiệp để thu tiền nhằm tái đầu tư, tuyển thêm người, trả tiền cho các em sinh viên để họ tham gia cùng chúng tôi. Tuy nhiên, khi làm thương mại, mối quan hệ giữa chúng tôi và khách hàng có sự thay đổi", ông Quảng nói.
Sau quãng thời gian khoảng 10 năm nghiên cứu về virus máy tính, ông Nguyễn Tử Quảng được phong danh hiệu "Hiệp sĩ công nghệ thông tin".
Tới vị CEO bị 'ném đá' trên mạng xã hội
Tuy nhiên, theo ông Quảng, khi BKAV quyết định thương mại hóa sản phẩm phần mềm diệt virus, đã có nhiều sự phản ứng lớn từ người dùng.
"Khi bắt thương mại hóa sản phẩm, tôi bị gọi là 'nổ'. Trước kia tôi cung cấp các sản phẩm một cách miễn phí, nhưng khi tôi thương mại hóa, mọi người nghĩ rằng tôi bắt đầu kiếm tiền. Dù vậy, mọi người không biết động lực đằng sau của tôi là làm mọi thứ tốt hơn", ông Quảng nói.
Thực tế, CEO Nguyễn Tử Quảng là người thường hay bị ném đá bởi những phát ngôn trên mạng xã hội hoặc những phát biểu thường bị mọi người cho là "hơi quá". Nói về điều này, ông Quảng cho biết:
"Tôi cũng là người thôi. Có những lúc tôi cảm thấy đau khổ vì bị ném đá. Trước đó, tôi được mọi người ghi nhận là hiệp sĩ, nhưng sau đó lại bị gọi là 'nổ'. Không ai đủ sắt đá để hiểu ngay các vấn đề đấy".
Thời điểm năm 2005, ông Quảng từng có phát ngôn gây chú ý khi cho rằng phần mềm diệt virus BKAV có thể cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ khác trên thế giới. Theo chia sẻ của lãnh đạo BKAV, chính phát ngôn này kèm với việc thu phí đã khiến mọi người liên tục gọi ông là "nổ".
"Thời điểm đó, tôi nghĩ phần mềm là thứ mà mọi người không nhìn thấy được nên họ nghĩ như vậy. Tới năm 2009, tôi bắt đầu chuyển hướng sang làm điện thoại với suy nghĩ rằng đây là sản phẩm hữu hình, mọi người có thể nhìn thấy sự thay đổi của chúng tôi.
Dù vậy, thực tế không phải như suy nghĩ của tôi. Mãi cho tới một thời gian sau, khi đã ngẫm và học được cách làm quen với mọi tình huống, tôi mới thoải mái trước sự ném đá của cộng đồng", lãnh đạo BKAV cho biết.
Theo ông Quảng, vào thời điểm mà BKAV bắt đầu thương mại hóa sản phẩm phần mềm diệt virus, có khoảng 10 đối thủ khác đến từ nước ngoài cùng hoạt động tại Việt Nam. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, con số này chỉ cón một và thị phần cũng kém xa so với BKAV.
"Doanh thu của BKAV chủ yếu vẫn đến từ mảng phần mềm. Trong khi đó, phần cứng vẫn đang được chúng tôi đầu tư thêm và hiện tại chưa thu được lợi nhuận", ông Quảng cho biết.