|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nhân sự là vấn đề đau đầu của các công ty công nghệ

21:00 | 12/06/2023
Chia sẻ
Nhân sự luôn là vấn đề nhức dầu đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực công nghệ.

Ngày 12/6, CTCP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) đã công bố báo cáo chỉ ra những khó khăn trong thời gian tới của nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT), đặc biệt là vấn đề nhân sự.

Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng 8,7%; trong khi số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký năm 2022 khoảng 70.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2021. Tỷ lệ đóng góp vào GDP của lĩnh vực Công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử đều ghi nhận sự gia tăng so với thời điểm năm 2021 (+8,7% và +11,6%).

Vốn đầu tư của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam có sự chuyển dịch từ gia công sang đầu tư cho nghiên cứu phát triển, bằng việc thiết lập các trung tâm R&D tại Việt Nam. Khoảng 60% số doanh nghiệp đang làm gia công đã chuyển trọng tâm từ gia công từng công đoạn có giá trị thấp sang làm toàn bộ giải pháp, sản phẩm mang lại giá trị cao.

Tuy nhiên, giai đoạn từ cuối năm 2022 đến đầu năm 2023 chứng kiến các doanh nghiệp trong ngành dần “ngấm đòn” từ sức cầu yếu do rủi ro suy thoái kinh tế thế giới và áp lực lạm phát. Quý I/2023, doanh thu công nghiệp CNTT cũng như kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử Việt Nam giảm so với cùng kỳ.

Cụ thể, lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 3/2023 ước đạt 845.577 tỷ đồng, tỷ lệ doanh thu ước đạt 20% so với kế hoạch năm. Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu phần cứng - điện tử ước đạt khoảng 26,6 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại đã gây ra những ảnh hưởng rõ nét đến nền kinh tế nói chung, trong đó có ngành CNTT-VT.

Sự giảm tốc này được dự báo sẽ ít nhiều còn ảnh hưởng đến kế hoạch ngân sách đầu tư và chi tiêu cho CNTT-VT của các khách hàng trong năm tới và sẽ có sự phân hóa trong diễn biến của các phân khúc dịch vụ CNTT-VT.

Chi tiêu cho các thiết bị phần cứng (PC/ máy tính xách tay/ máy tính bảng) và hạ tầng thông tin doanh nghiệp (máy chủ, DC) sẽ dễ bị ảnh hưởng, do lạm phát đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng và việc trì hoãn các dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng tại chỗ đối với các doanh nghiệp trong bối cảnh bảo vệ dòng tiền và tăng cường chuyển đổi sang ứng dụng Cloud.

Nhân sự là vấn đề hàng đầu 

Báo cáo của Vietnam Report cho biết vấn đề Tuyển dụng và giữ chân nhân tài là một trong những thách thức lớn nhất mà ngành công nghệ dự báo sẽ gặp phải trong năm 2023. Cơ hội từ làn sóng đầu tư của các ông lớn nước ngoài vào Việt Nam cùng với các hoạt động chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ tại các cấp Chính phủ, địa phương hay tại các doanh nghiệp truyền thống trong lĩnh vực bất động sản, tài chính, bán lẻ… khiến nhu cầu về nguồn nhân lực công nghệ hiện nay gia tăng, đặc biệt là nhân sự cho các mảng quan trọng liên quan tới vận hành, giám sát hệ thống.

 Nguồn: Vietnam Report.

Dự báo từ nay đến năm 2024, Việt Nam thiếu hụt khoảng 150.000 đến 200.000 kỹ sư CNTT mỗi năm. Sự thiếu hụt này có một phần nguyên nhân đến từ chất lượng của đội ngũ lao động, tuy đông nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu khi tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Ngoài ra, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT còn phải đối mắt với vấn đề Thiếu chính sách, quy chế, khung pháp lý rõ ràng, đồng bộ cho sản phẩm, dịch vụ phát triển trên các nền tảng công nghệ mới cũng là một thách thức lớn.

Khảo sát các doanh nghiệp công nghệ có trong danh sách cho ra kết quả tất cả các doanh nghiệp đều có hoạt động chuyển đổi công nghệ mới trong năm 2022. Điều này đặt ra vấn đề cho các cơ chế liên quan, hành lang pháp lý đối với những công nghệ mới cần được bổ sung, điều chỉnh hợp lý. Nhưng đến thời điểm hiện tại, các bộ luật, quy định dành cho sản phẩm/ dịch vụ lại chưa đồng bộ, gây ra những khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến với người sử dụng, đồng thời làm giảm đi tính cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hạn chế tiếp cận nguồn vốn đầu tư là vấn đề được nhắc tới nhiều trong thời kỳ khó khăn đối với các doanh nghiệp công nghệ. Bài toán đảm bảo dòng tiền trong giai đoạn khó khăn chung của nền kinh tế càng khó giải hơn khi nguồn vốn từ các nhà đầu tư mạo hiểm cũng ít đi, các quỹ đổi mới công nghệ có nguồn vốn được cấp còn thấp, thủ tục cho vay và hỗ trợ vốn từ ngân hàng còn vướng phải nhiều chính sách dẫn tới doanh nghiệp công nghệ bị thiệt thòi, tốn nhiều thời gian mới được xử lý.

Việc không tiếp cận được nguồn vốn đầu tư mới sẽ khiến quá trình vận hành của doanh nghiệp bị gián đoạn hoặc tạm dừng. Điều này ảnh hưởng khá lớn tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp công nghệ. 

Thùy Trang