Cựu CEO Google: Cuộc xung đột tại Ukraine đã chứng minh tầm quan trọng của lĩnh vực IT
Eric Schmidt, cựu Giám đốc điều hành của Google, cho biết cuộc xung đột tại Ukraine là minh chứng rõ ràng cho vai trò của công nghệ trong các cuộc chiến, từ việc sử dụng công nghệ thông tin đương đại cho tới các vệ tinh truyền tin cũng như những ứng dụng trên smartphone, theo South China Morning Post.
Ông Schmidt, hiện là nhà tư vấn của chính phủ Mỹ về trí tuệ nhân tạo, đã nói với các phóng viên sau chuyến thăm kéo dài 36 giờ tới Ukraine, rằng lĩnh vực công nghệ dân sự đóng vai trò quan trọng đối với quốc phòng của Kyiv.
Bằng chứng được đưa ra một ngày sau khi quân đội Nga mở “chiến dịch đặc biệt” nhắm vào Ukraine thời điểm cuối tháng 2. Sau một thời gian dài đình trệ, cơ quan lập pháp của Ukraine đã cùng nhau thống nhất về một bước quan trọng để bảo vệ tất cả dữ liệu của chính phủ khỏi các cuộc tấn công mạng, được cho là thực hiện bởi các hacker Nga.
“Trong một ngày, họ (chính phủ Ukraine) đã họp quốc hội và thay đổi luật đó. Họ chuyển tất cả dữ liệu của mình từ các máy chủ của chính phủ ở Kyiv sang các dịch vụ lưu trữ đám mây. Các cuộc chiến là lý do để mọi người thay đổi và làm những điều đúng đắn”, cựu CEO Google cho biết.
Động thái quan trọng thứ hai đến từ việc tỷ phú công nghệ Mỹ Elon Musk tặng quyền truy cập vào hệ thống băng thông rộng dựa trên hệ thống internet vệ tinh Starlink của SpaceX, giúp cả người dân lẫn quân đội Ukraine bảo vệ dữ liệu của chính phủ khỏi các cuộc tấn công mạng.
Tỷ phú người Nam Phi và các nhà tài trợ đã gửi khoảng 20.000 thiết bị đầu cuối mặt đất với ăng-ten đĩa nhỏ cho phép truyền tín hiệu hàng ngày cũng như giúp các máy bay chiến đấu có dữ liệu nhắm mục tiêu. Điều đó đã cản trở mục tiêu quan trọng của nhiều phương tiện chiến đấu của Nga.
Ông Schmidt chia sẻ: “Elon Musk thực sự là một anh hùng ở đây. Điều này khiến chiến lược đánh sập internet của phe đối lập thất bại”. Bên cạnh đó, cựu CEO Google cho biết có hai ứng dụng quan trọng đã tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột tại Ukraine.
Cụ thể, một chức năng có tên “E-Enemy” đã được thêm vào ứng dụng Diia phổ biến được sử dụng cho các dịch vụ của chính phủ cho phép mọi người báo cáo những thứ như thiệt hại do pháo kích hoặc nhìn thấy quân đội Nga.
Ngoài ra, một dịch vụ trò chuyện được mã hóa của Thụy Sĩ có tên là Threema đã cho phép người dùng gửi những dữ liệu đó cho quân đội mà không để lộ danh tính của họ.
Cựu lãnh đạo Google Eric Schmidt cho biết quân đội đã nhận được hàng nghìn báo cáo như vậy mỗi ngày và lọc chúng bằng các chương trình trí tuệ nhân tạo.
“Họ sẽ di chuyển chúng tới các mục tiêu bằng AI và trí thông minh của con người. Cuối cùng sẽ truy lùng chúng. Vì vậy, nếu bạn nghĩ về điều đó, thì đây là những gì Ukraine đã có: Họ có internet hoạt động, họ được bảo vệ dữ liệu của chính phủ”, theo ông Schmidt.
Ukraine từ lâu đã là một vườn ươm cho các tài năg lập trình cũng như hacker, có một lực lượng công nghệ thông tin chuyên sâu có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng chống lại những kẻ xâm nhập bất hợp pháp vào hệ thống liên lạc của họ.
Quốc gia này cũng đã sử dụng một cách khéo léo các kỹ thuật sinh trắc học và nhận dạng khuôn mặt để xác định những người tham gia vào các cuộc xung đột kể từ khi Nga mở “chiến địch đặc biệt” vào cuối tháng 2.
Ngoài ra, các lập trình viên Ukraine đã có kỹ năng chế tạo máy bay không người lái, có thể sử dụng một cách hữu ích trong các cuộc xung đột. “Tôi chỉ có thể báo cáo rằng dựa trên lượng dữ liệu nhỏ của mình, ngành công nghiệp công nghệ Ukraine đã thực sự có đóng góp lớn vào cuộc xung đột này”, cựu lãnh đạo Google nhấn mạnh.