|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Con số chỉ ra sự phục hồi của các doanh nghiệp sản xuất

10:19 | 21/05/2024
Chia sẻ
WiGroup chỉ ra các nhóm ngành đều có sự gia tăng trong hoạt động đầu tư trong quý đầu năm. Trong đó công nghiệp là ngành có dòng vốn đầu tư tăng mạnh nhất, kế tiếp là nguyên vật liệu, bất động sản và hàng tiêu dùng thiết yếu.

Báo cáo toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I/2024 của WiGroup cho thấy hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp phi tài chính quý I/2024 tăng mạnh so với cùng kỳ.

Đầu tư vào công ty con, đầu tư mở rộng cuối quý I tăng lần lượt khoảng 33% và 12,5% so với cùng kỳ. Hàng tồn kho của doanh nghiệp cũng có sự gia tăng lớn trong số lượng so với cả năm 2023, phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh doanh nghiệp được đẩy mạnh trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phục hồi thời điểm quý I/2024.

So với cuối quý IV/2023, đa phần các nhóm ngành đều có sự gia tăng trong hoạt động đầu tư. Trong đó công nghiệp là ngành có dòng vốn đầu tư tăng mạnh nhất, kế tiếp là nguyên vật liệu, bất động sản và hàng tiêu dùng thiết yếu.

Chỉ tiêu Đầu tư mở rộng được tính toán dựa trên Chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn khác. (Nguồn: Báo cáo của WiGroup).

WiGroup cho hay hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh của các doanh nghiệp công nghiệp phục hồi tốt trong quý I. Đầu tư mở rộng ở mức tích cực trong quý với hơn 24.800 tỷ đồng.

Đầu tư vào công ty con và thay đổi hàng tồn kho ngành công nghiệp đều tăng mạnh trong quý với giá trị đạt lần lượt khoảng 14.800 và 12.200 tỷ đồng – mức cao nhất so với giai đoạn cuối năm 2022 và năm 2023.

Chỉ tiêu Đầu tư mở rộng được tính toán dựa trên Chi để mua sắm, xây dựng tài sản cố định và tài sản dài hạn khác. (Nguồn: Báo cáo của WiGroup).

Quý I, Vingroup (mảng công nghiệp chính tới từ VinFast) có sự tăng trưởng mạnh trong hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh về sản xuất xe điện, mở rộng địa điểm phân phối, nhà máy ra các lãnh thổ ngoài quốc gia.

Hoạt động mở rộng và đầu tư kinh doanh tại các tập đoàn công nghiệp khác cũng được đẩy mạnh về đầu tư mở rộng và hàng tồn kho. Điển hình là các doanh nghiệp như VJC, ACV, CII,...

  Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Đầu tư công ty con các doanh nghiệp ngành nguyên vật liệu ghi nhận âm vào quý I, ngược lại hoạt động đầu tư mở rộng lại có sự tăng trưởng mạnh nhất kể từ năm 2022, đặc biệt hàng tồn kho đã tăng mạnh trở lại, đây là quý đầu tiên ghi nhận tăng hàng tồn kho kể từ quý III/2022 đến nay.

WiGroup nhận định điều này phản ánh các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất, tăng cường công suất với triển vọng tích cực vào các quý tới trong năm.

   Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Hòa Phát và Hoa Sen là hai doanh nghiệp có hoạt động mở rộng sản xuất, kinh doanh mạnh nhất toàn ngành trong bối cảnh giá nguyên liệu thép quý I ở mức thấp so với cùng kỳ 2023. Dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất 2 của Hòa Phát tiếp tục được đẩy nhanh là nguyên nhân lý giải cho sự biến độ trong hoạt động đầu tư mở rộng của doanh nghiệp.

Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Quý I, hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh doanh nghiệp bất động sản hồi phục tốt với đầu tư mở rộng tăng mạnh nhất kể từ đầu năm 2022. Hàng tồn kho trong ngành cũng tăng trong bối cảnh cầu về bất động sản hồi phục.

 Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Quý I, Vinhomes ra mắt dự án Thành phố Đảo Hoàng Gia - Vinhomes Royal Island tại Hải Phòng, các dự án bất động sản lớn cũng đang trong quá trình hoàn thành và chuyển giao. Điều này khiến Vinhomes trở thành doanh nghiệp có hoạt động đầu tư và mở rộng kinh doanh mạnh nhất toàn ngành. Các doanh nghiệp khác cũng có thay đổi hàng tồn kho lớn như NVL, KDH, BCM,...

  Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Báo cáo chỉ ra các doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng thiết yếu không đẩy mạnh vào hoạt động đầu tư bao gồm đầu tư vào công ty con và đầu tư mở rộng mà đẩy mạnh hoạt động sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hồi phục trong quý, với thay đổi hàng tồn kho tăng mạnh nhất kể từ quý II/2022 (đạt gần 6.000 tỷ đồng).

Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Hàng tồn kho của doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng thiết yếu trong quý I ở mức cao. Xuất nhập khẩu Kiên Giang và Thành Thành Công - Biên Hòa là hai doanh nghiệp có đóng góp vào thay đổi hàng tồn kho lớn nhất.

Về đầu tư mở rộng, Vinamilk là doanh nghiệp có hoạt động mở rộng mạnh nhất trong ngành với việc dự án nhà máy sữa tại Hưng Yên đang tiếp tục được triển khai.

Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Lợi nhuận nhóm ngành sản xuất - thương mại phục hồi trong quý I

Báo cáo của WiGroup cho thấy nhóm sản xuất - thương mại tiếp tục đà phục hồi trong quý I với mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt 23% so với cùng kỳ (quý I/2023 âm 34%). Nguyên vật liệu, hàng tiêu dùng thiết yếu ngành có đóng góp lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận sau thuế.

Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Nợ vay của khối sản xuất - thương mại trong quý I duy trì ở mức 69%, đây là mức trung bình nhiều năm cho thấy chưa có rủi ro về đòn bẩy cao của khối.

Lãi suất vay bình quân theo WiGroup tính toán khoảng 6,5% giảm mạnh từ mức đỉnh 8% (quý III/2023) cho thấy việc giảm lãi suất đã có tác động tích cực tới giảm chi phí lãi vay của doanh nghiệp. Đồng thời các doanh nghiệp cũng có khả năng chi trả lãi vay tốt hơn với EBIT/chi phí lãi vay cải thiện từ 3,3 lên 4.

Các điều trên cho thấy các doanh nghiệp trong khối có thể đang tận dụng giai đoạn lãi suất thấp và hưởng lợi từ động thái kích thích cho vay phục hồi kinh tế từ Chính phủ.

 Nguồn: 

 Nguồn: Báo cáo của WiGroup.

Hoàng Kiều