|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Bài toán khó đối với các ông lớn công nghệ Hàn Quốc: Dư thừa hàng tồn kho

10:17 | 29/11/2022
Chia sẻ
Việc không đánh giá chính xác vấn đề cung - cầu sau đại dịch COVID-19 đã khiến những ông lớn công nghệ Hàn Quốc như Samsung, LG hay SK gặp nhiều khó khăn khi lượng hàng tồn kho đang dư thừa.

Trong thời kỳ đỉnh dịch COVID-19, các hãng công nghệ hàng đầu Hàn Quốc được hưởng lợi phần lớn từ việc người tiêu dùng ở nhà và mua các sản phẩm phục vụ cho nhu cầu cuộc sống, theo tờ Korea Times.

Giờ đây, khi đại dịch dần được kiểm soát, những mô hình tiêu dùng như vậy đã thay đổi. Người tiêu dùng ở Mỹ, một trong những thị trường hàng đầu của các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Hàn Quốc, đang thay đổi thói quen mua hàng để đối phó với mức lạm phát cao.

Khi người tiêu dùng tại các thị trường trọng điểm giảm thiểu việc mua các loại hàng hóa như quần áo, thiết bị công nghệ và đồ gia dụng, các nhà xuất khẩu công nghệ hàng đầu Hàn Quốc đã gặp khó khăn sau khi đánh giá cung và cầu không chính xác. Các chi nhánh công nghệ của Samsung, LG và SK đã tích lũy một lượng lớn hàng tồn kho, khiến giá các sản phẩm chủ lực của họ giảm xuống.

Hàng tồn kho dư thừa đang trở thành bài toán khó đối với các công ty công nghệ Hàn Quốc. (Ảnh: Korea Times).

Hàng tồn kho cũng chính là hình ảnh đại diện cho tài sản hiện tại vì một công ty thường dự định bán thành phẩm của mình trong một khoảng thời gian giới hạn, thường là một năm.

Ví dụ, Samsung Electronics, nhà sản xuất TV, điện thoại thông minh, chip nhớ và màn hình hàng đầu thế giới, cung cấp các sản phẩm chủ lực của mình cho các nhà bán lẻ lớn ở Bắc Mỹ, chẳng hạn như Target.

Những thay đổi trong thói quen mua sắm của người tiêu dùng Mỹ đã khiến các nhà bán lẻ lớn ở đó điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận của họ. Điều này cũng khiến các nhà bán lẻ lớn khác của Mỹ, bao gồm BestBuy và Walmart, phải quản lý mức tồn kho cao của họ bằng cách hủy các lô hàng gửi đến.

Một quan chức cho biết: “Samsung Electronics không có lựa chọn nào khác ngoài việc tạm thời thu hẹp quy mô sản xuất tại các nhà máy sản xuất TV, điện thoại di động và thiết bị gia dụng của mình để đối phó với tình trạng sụt giảm nhu cầu. Những lo ngại về lạm phát gia tăng được cho là thủ phạm chính làm xói mòn nhu cầu của người tiêu dùng cuối”

Tính đến quý III, Samsung Electronics sở hữu tài sản tồn kho trị giá 57.310 tỷ won, tăng 10% so với quý trước, theo báo cáo hàng quý của Samsung gửi cho Dịch vụ Giám sát Tài chính (FSS). Trong khi đó, LG Electronics có tài sản tồn kho trị giá 11.210 tỷ won, tăng 15,7% so với quý trước. LG Electronics cũng cung cấp TV và thiết bị gia dụng cho các nhà bán lẻ lớn ở Mỹ, châu Âu, châu Á và Nam Mỹ.

"Mặc dù người tiêu dùng từ bỏ các nhà bán lẻ cao cấp vì lo ngại lạm phát ngày càng tăng, nhưng chúng tôi không thể cung cấp các sản phẩm chính của mình cho các nhà bán lẻ với mức chiết khấu cao vì việc giữ giá sản phẩm cao hơn có thể bù đắp phần nào cho sự sụt giảm lợi nhuận", một giám đốc điều hành tại một chi nháh công nghệ của Tập đoàn LG cho biết.

Điều chỉnh tỷ lệ sử dụng nhà máy, cắt giảm đầu tư

Với những con số do FSS cung cấp, có thể thấy mức tồn kho của các nhà cung cấp sản phẩm công nghệ Hàn Quốc đa số đã tăng lên so với năm ngoái.

Các chi nhánh công nghệ của Samsung, LG và SK Group đang hành động để hạn chế các đơn đặt hàng và yêu cầu các nhà cung cấp nhượng bộ, chẳng hạn như giao hàng chậm hơn, giảm đơn đặt hàng và thậm chí là hủy bỏ đơn hàng trong bối cảnh mức tồn kho cao kỷ lục.

"Chúng tôi không lạc quan về dự báo thị trường chip nhớ toàn cầu trong quý IV do nhu cầu đối với các sản phẩm công nghệ tiếp tục suy yếu. Ngoài ra, các bộ phận kinh doanh sản xuất bộ nhớ của Samsung được thiết lập để bảo vệ tỷ suất lợi nhuận trong thời gian còn lại của năm nay", một giám đốc điều hành tại Samsung cho biết. Samsung đã cắt giảm sản xuất điện thoại thông minh, TV và thiết bị gia dụng vì "hàng tồn kho tăng cao", điều mà LG cũng đang làm.

Giá trị hàng tồn kho của các công ty như Samsung hay LG đều tăng lên so với năm ngoái. (Ảnh: Korea Times).

Micron Technology của Mỹ và SK hynix đều xác nhận kế hoạch giảm đáng kể đầu tư cơ sở vật chất vào năm tới do nhu cầu về chip nhớ đang "giảm chưa từng thấy". Samsung, công ty dẫn đầu toàn cầu trong phân khúc chip nhớ, vẫn tự tin về việc củng cố vị thế thống trị hiện tại của mình trong lĩnh vực này vì hãng không có kế hoạch cắt giảm sản xuất hoặc giảm chi phí vào năm tới.

Lạm phát gia tăng, thường ảnh hưởng đến các công ty công nghệ đa quốc gia bao gồm Samsung, SK, LG và Hyundai, đã buộc các nhà đầu tư phải suy nghĩ lại về chiến lược đầu tư.

Điểm mấu chốt là trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới dự kiến ​​sẽ bắt nhịp với làn sóng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ để nâng lãi suất cơ bản lên 4,75% và 5% vào tháng 3 năm sau, thì nền kinh tế thế giới nói chung không ở trong tình trạng tồi tệ như vậy.

"Tương tự như nền kinh tế nói chung, giá cổ phiếu công nghệ rất nhạy cảm với lạm phát, lãi suất và đồng USD. Có vẻ như tất cả công ty công nghệ hàng đầu phải chuẩn bị cho nguy cơ xảy ra cuộc suy thoái toàn cầu bằng cách tìm cách giải phóng hàng tồn kho", Kim Yong-jin, giáo sư kinh tế tại Đại học Sogang ở Seoul cho biết.

"Bởi vì các chi nhánh công nghệ của Samsung, SK và LG sẽ phải phản ứng nhanh với môi trường kinh tế cho đến quý II năm sau, tôi cho rằng các công ty công nghệ hàng đầu này không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục thắt lưng buộc bụng, bao gồm cả việc tạm dừng tuyển dụng trong các mảng kinh doanh làm ăn thua lỗ và kết thúc một số sản phẩm", giáo sư Kim nói thêm.

Anh Nguyễn