|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

CII thấp thỏm từ hàng tồn kho tăng vọt

09:20 | 06/02/2020
Chia sẻ
Tâm điểm đáng chú ý trong bức tranh tài chính của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII, mã CII, sàn HoSE) là sự tăng vọt của hàng tồn kho. Điều này ẩn chứa cả cơ hội lớn, lẫn rủi ro khó lường về tài chính.

Lằn ranh mong manh

Tại thời điểm ngày 31/12/2019, tài sản ngắn hạn của CII đạt 12.958,7 tỷ đồng, tăng 119,6% so với đầu năm. Một trong những yếu tố đóng góp vào sự tăng mạnh của tài sản ngắn hạn là các khoản phải thu có tốc độ tăng 55,7% và đạt giá trị 6.228,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số đáng chú ý là hàng tồn kho với giá trị 5.738 tỷ đồng, tăng gấp hơn 5,8 lần so với đầu năm.

Hàng tồn kho của CII chủ yếu nằm tại công ty con bởi theo báo cáo tài chính riêng công ty mẹ, giá trị hàng tồn kho chỉ là 50,3 tỷ đồng, thậm chí còn giảm so với thời điểm đầu năm 2019. Hàng tồn kho trong báo cáo tài chính hợp nhất của CII chủ yếu nằm tại các dự án bất động sản dở dang của doanh nghiệp này.

Trong đó, đáng chú ý nhất là Dự án Khu căn hộ cao tầng Diamond Riverside với giá trị hàng tồn kho hơn 1.633 tỷ đồng. Đây là dự án do CII góp 80% vốn, có tổng mức đầu tư 1.960 tỷ đồng. Dự án nằm ngay quận 1, TP.HCM, gồm 2 tòa nhà cao 30 tầng, với tổng diện tích sàn xây dựng là 130.693 m2, 1.708 căn hộ.

Ngoài ra, hàng tồn kho của CII còn nằm rải rác ở nhiều dự án bất động sản dở dang khác như Khu căn hộ cao cấp NBB Garden II, NBB Garden III, Khu nhà ở chung cư lô 3.15, Khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, Khu biệt thự Đồi Thủy sản Quảng Ninh, Khu du lịch De Lagi…

Nắm trong tay khối hàng tồn kho lớn, CII đứng trước cơ hội thu hàng ngàn tỷ đồng tiền bán hàng trong năm 2020, khi các dự án trên hoàn thành và bung hàng. Tuy nhiên, lằn ranh được - mất khá mong manh, bởi nếu dự án chậm hoàn thành hoặc việc bán hàng không thuận lợi, thì doanh nghiệp cũng sẽ mắc kẹt vốn tại đây, đẩy gánh nặng lớn lên chi phí tài chính khi không thể quay vòng vốn hiệu quả.

Lợi nhuận tăng 398,7%

Nhìn lại tình hình kinh doanh năm 2019, CII tuy bị sụt giảm doanh thu, nhưng vẫn gia tăng lợi nhuận. Theo đó, doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.819,4 tỷ đồng, giảm 32,3% so với năm 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt tới 1.072,3 tỷ đồng, tăng 398,7%.

Công ty mẹ CII không có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong năm 2019, nhưng vẫn có sự tăng trưởng ngoạn mục về lợi nhuận, gấp tới gần 14,5 lần so với năm 2018, đạt giá trị 535,4 tỷ đồng. Riêng trong quý IV/2019, Công ty mẹ CII đạt lợi nhuận 159,7 tỷ đồng, cao gấp 6,7 lần so với quý IV/2018.

Trong văn bản giải trình về kết quả kinh doanh năm 2019, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII cho biết, Công ty đã chuyển nhượng một phần vốn góp đầu tư, thu về lợi nhuận đáng kể. Ngoài ra, cổ tức được chia trong kỳ cũng tăng hơn so với năm trước.

Tuy vậy, hoạt động kinh doanh hợp nhất không thể không nương tựa vào tình trạng bán hàng. Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất, doanh thu thuần tuy có sụt giảm, nhưng việc CII vẫn có lợi nhuận một phần nhờ giá vốn hàng bán giảm mạnh hơn so với mức giảm của doanh thu thuần.

Ngoài ra, một yếu tố tác động đáng kể đến lợi nhuận của CII là các hoạt động tài chính của doanh nghiệp này. Trong năm 2019, chênh lệch thu/chi từ các hoạt động tài chính của CII lên tới 641,4 tỷ đồng, đã góp phần làm cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của CII đạt 708,3 tỷ đồng, cao gấp 4,2 lần so với năm 2018.

Những con số trên cũng cho thấy, các biến động từ hoạt động tài chính có ảnh hưởng rất lớn đến “túi tiền” của đại gia ngành hạ tầng và bất động sản này. Theo đó, khối hàng tồn kho khổng lồ của CII nếu không được “giải thoát” sớm, thì Công ty có thể chịu áp lực lớn về chi phí tài chính.

Chí Tín