|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cấu trúc phân ban quốc tế (International Division Structure) là gì?

12:41 | 18/09/2019
Chia sẻ
Cấu trúc phân ban quốc tế (tiếng Anh: International Division Structure) là cấu trúc tổ chức có sự tách biệt các hoạt động kinh doanh quốc tế với các hoạt động kinh doanh nội địa.
heavy-division-sign_2797

Hình minh hoạ (Nguồn: emojipedia)

Cấu trúc phân ban quốc tế

Khái niệm

Cấu trúc phân ban quốc tế trong tiếng Anh được gọi là international division structure.

Cấu trúc phân ban quốc tế là cấu trúc tổ chức có sự tách biệt các hoạt động kinh doanh quốc tế với các hoạt động kinh doanh nội địa bằng cách thành lập một bộ phận quốc tế riêng biệt có người quản riêng. 

Trong đó, bộ phận quốc tế lại được chia thành các đơn vị tương ứng với các nước nơi doanh nghiệp hoạt động. 

Ở mỗi nước có một người phụ trách chung hoạt động sản xuất và marketing cho sản phẩm của doanh nghiệp. Mỗi cơ sở ở nước ngoài thường tiến hành tất cả các hoạt động thông qua các bộ phận chức năng của mình (marketing và bán hàng, tài chính, sản xuất).

Ưu điểm và nhược điểm

- Ưu điểm

Do cấu trúc phân nhánh quốc tế tập trung những kĩ năng quốc tế vào một bộ phận, cho nên các nhà quản bộ phận trở thành các chuyên gia trong nhiều hoạt động như ngoại hối, chứng từ xuất khẩu, và vận động chính phủ sở tại. 

Bằng việc giao các hoạt động quốc tế cho một bộ phận đơn nhất, doanh nghiệp có thể giảm chi phí, tăng hiệu quả và ngăn ngừa khả năng các hoạt động quốc tế có thể tác động xấu đến hoạt động nội địa. 

Đây là những yếu tố quan trọng đối với các doanh nghiệp mới tham gia kinh doanh quốc tế, cũng như với các doanh nghiệp có các hoạt động quốc tế chiếm tỉ trọng nhỏ trong toàn bộ hoạt động kinh doanh.

- Nhược điểm

Bên cạnh đó, cấu trúc phân ban quốc tế cũng có thể gây ra những vấn đề sau:

+ Các nhà quản trị phụ trách bộ phận quốc tế thường phụ thuộc vào các nhà quản trị trong nước về nguồn lực tài chính và các bí quyết kĩ thuật có thể đem lại cho doanh nghiệp lợi thế cạnh tranh quốc tế. 

Việc phối hợp không tốt giữa các nhà quản trị có thể làm tổn hại hoạt động không chỉ của bộ phận quốc tế mà còn của toàn bộ doanh nghiệp.

+ Người phụ trách bộ phận quốc tế thường chịu trách nhiệm về mọi hoạt động ở tất cả các nước. Mặc dù chính sách này tạo điều kiện cho việc phối hợp hoạt động, nhưng nó lại làm giảm quyền hạn của các nhà quản trị ở từng quốc gia. 

Sự ganh đua và hợp tác yếu kém giữa người phụ trách chung và những người phụ trách các bộ phận quốc gia ó thể gây tác hại cho hoạt động nói chung của doanh nghiệp.

(Tài liệu tham khảo: Kinh doanh quốc tế, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi