|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Chiến lược đa quốc gia là gì? Ưu điểm và nhược điểm

10:39 | 18/09/2019
Chia sẻ
Chiến lược đa quốc gia là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm của doanh nghiệp bằng cách thích ứng sản phẩm với từng thị trường nước ngoài.
multinational

Hình minh hoạ (Nguồn: greenbookblog)

Chiến lược đa quốc gia

Khái niệm

Chiến lược đa quốc gia tạm dịch sang tiếng Anh là multinational strategy.

Xuất phát từ mức độ áp lực giảm chi phí và áp lực thích ứng với địa phương, các doanh nghiệp thường lựa chọn áp dụng một trong 4 chiến lược cơ bản để cạnh tranh trong môi trường quốc tế. Trong đó có chiến lược đa quốc gia.

Chiến lược đa quốc gia là chiến lược cạnh tranh nhằm gia tăng giá trị của sản phẩm (từ đó gia tăng lợi nhuận) của doanh nghiệp bằng cách thích ứng sản phẩm với từng thị trường nước ngoài. 

Để đáp lại áp lực thích ứng, mỗi một chi nhánh ở nước ngoài thực hiện hầu hết tất cả hoạt động tạo giá trị quan trọng như sản xuất, marketing, phát triển sản phẩm... 

Chiến lược này phù hợp khi có sự khác biệt đáng kể giữa các thị trường về sở thích, thị hiếu, và khi áp lực giảm chi phí là không cao.

Ưu điểm và nhược điểm

Ưu điểm chủ yếu của chiến lược đa quốc gia là cho phép các doanh nghiệp nghiên cứu kĩ sở thích của người tiêu dùng ở thị trường các quốc gia khác nhau, từ đó đáp ứng nhanh chóng và có hiệu quả trước những thay đổi sở thích của người tiêu dùng. 

Kết quả mà các doanh nghiệp mong đợi khi đưa ra những sản phẩm mới là người tiêu dùng sẽ cảm nhận được các giá trị cao hơn so với các sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, cho phép công ty theo chiến lược đa quốc gia được định giá cao hơn, giành được thị phần lớn hơn.

Nhược điểm chính của chiến lược đa quốc gia là không cho phép các doanh nghiệp khai thác kinh tế qui mô trong việc phát triển, sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường. 

Việc theo đuổi chiến lược đa quốc gia làm tăng chi phí đối với các doanh nghiệp, buộc các doanh nghiệp này phải định giá bán cao hơn để bù đắp những chi phí đó. 

Bởi vậy, chiến lược đa quốc gia thường không thích hợp với các ngành nơi công cụ cạnh tranh chủ yếu là giá cả. 

Mặt khác, tính độc lập cao trong hoạt động của các chi nhánh có thể làm giảm cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trong phạm vi doanh nghiệp. 

Cơ cấu chi phí cao cùng với sự sao chép các nhà máy sản xuất làm cho chiến lược này không thích hợp trong những ngành có áp lực giảm chi phí cao.

(Tài liệu tham khảo: Kinh doanh quốc tế, Trung tâm đào tạo từ xa, ĐH Kinh tế Quốc dân)

Diệu Nhi