|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kiến thức Kinh tế

Cảng cạn (Dry port) là gì? Vai trò, chức năng của cảng cạn

15:35 | 04/10/2019
Chia sẻ
Cảng cạn (tiếng Anh: Dry port) là một khu vực/công trình kết nối đa phương thức vận tải nằm trong nội địa. Mục đích chính của cảng cạn là phát huy hiệu quả của vận tải container nội địa đối với vận tải đa phương thức quốc tế.
02ecang-hai-phong2-1024x682_FFAV

Hình minh họa (Nguồn: static.tapchitaichinh.vn)

Cảng cạn

Khái niệm

Cảng cạn trong tiếng Anh là Dry port.

Trên thế giới hiện nay có nhiều cách gọi khác nhau về cảng cạn:

Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hiệp quốc (UNCTAD) sử dụng tên tiếng Anh là Inland Container Depot, tiếng Việt có nghĩa là "Cảng container nội địa"; một số nước lại sử dụng là Inland Clearance Depot, tiếng Việt có nghĩa là "Địa điểm thông quan nội địa", cả hai đều viết tắt là ICD.

Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương Liên Hiệp Quốc (ESCAP) sử dụng tên Dry port (cảng khô, cảng cạn). Hoa Kỳ không sử dụng tên gọi ICD như ở trên mà đưa ra khái niệm Intermodal Terminal (IT). Ấn Độ đưa ra định nghĩa chung cho ICD và CFS (Container Freight Station) nhưng chỉ ra đặc trưng riêng của từng loại.

Cảng cạn mới xuất hiện ở Việt Nam từ 1995 trở lại đây. Rất nhiều tên gọi và khái niệm khác nhau đã được sử dụng: cảng cạn, cảng thông quan nội địa, cảng container nội địa, cảng nội địa... gây nhiều khó khăn cho việc quản lí phát triển của cơ quan nhà nước cũng như của doanh nghiệp.

Xét về bản chất và chức năng hoạt động có thể sử dụng định nghĩa chung về cảng cạn như sau: "Cảng cạn là một khu vực/công trình kết nối đa phương thức vận tải nằm trong nội địa, cung cấp dịch vụ xếp dỡ, lưu kho tạm thời và làm thủ tục hải quan cho hàng container, kết nối bằng các phương thức vận tải khác nhau tới cảng biển.

Mục đích của cảng cạn

Mục đích chính của cảng cạn là phát huy hiệu quả của vận tải container nội địa đối với vận tải đa phương thức quốc tế. Cảng cạn cũng có thể tạo ra lợi ích tiết kiệm chi phí khi làm tăng tỉ lệ container hóa.

Thủ tục hải quan có thể được hoàn tất tại cảng cạn và các công ty vận tải thường chỉ phát hành một vận đơn cho hàng hoá được vận chuyển từ cảng cạn của một nước đến cảng biển hoặc một địa điểm nào đó ở nước khác".

Vai trò và chức năng của cảng cạn

Vai trò

-  Tạo thuận lợi rất nhiều cho thương mại quốc tế và cho phép các chủ hàng địa phương, các nhà sản xuất và người dân được tiếp cận với thị trường quốc tế.

Cảng cạn có vị trí chiến lược nơi mà các phương thức vận tải khác nhau hội tụ, cũng cho phép hàng hóa, đặc biệt là hàng container tiêu chuẩn, được trung chuyển hiệu quả giữa các phương thức vận tải, qua đó đảm bảo việc sử dụng tối ưu cả mạng lưới một cách tổng thể.

-  Xây dựng cảng cạn (cùng với các phương tiện bao gồm cả đường bộ và đường sắt) dẫn đến giảm chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển, dẫn đến thu hút đầu tư nhiều hơn đối với các khu vực xung quanh cảng cạn và đầu tư như vậy sẽ khuyến khích đầu tư hơn nữa về cơ sở hạ tầng bao gồm các cảng cạn và tiếp tục giảm chi phí vận chuyển và thời gian trung chuyển.

Cảng cạn có thể góp phần trực tiếp đẩy mạnh sự phát triển vận tải đa phương thức và do đó giúp thay đổi phương thức vận tải từ đường bộ sang đường sắt, đường sông. Về khía cạnh này, thành lập cảng cạn có thể đóng góp trực tiếp cho vận tải bền vững.

Chức năng

+ Kiểm tra và hoàn tất thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container

+ Nhận và gửi hàng hóa vận chuyển bằng container

+ Kho tạm chứa hàng xuất nhập khẩu và container

+ Vận chuyển hàng container từ cảng cạn đến cảng biển

+ Sửa chữa và bảo dưỡng container

+ Đóng hàng vào và dỡ hàng ra khỏi container

+ Giao nhận các hàng hóa khác (hàng rời, hàng bách hóa,...)

+ Gom và chia hàng lẻ đối với hàng chung chủ (LCL) trong cùng container

(Tài liệu tham khảo: Đề án Qui hoạch chi tiết phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam)

TH