|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Bức tranh kinh doanh phân hoá của doanh nghiệp cảng biển năm 2020

14:39 | 24/02/2021
Chia sẻ
Tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gần khu vực cảng Cái Mép - Thị Vải khả quan hơn. Khu vực cảng miền Trung vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng dẫu xuất hiện ổ dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và bão lụt trong khi đó doanh nghiệp cảng phía Bắc lại đi lùi.
Nhìn lại một năm của các doanh nghiệp cảng biển nhờ lực đẩy kép - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

Các hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã có một năm 2020 sôi động, được thúc đẩy bởi các giá trị xuất khẩu tăng cao đột biến, chủ yếu đóng góp bởi các đơn hàng đi Mỹ, bất chấp các dự báo về ảnh hưởng tiêu cực từ dịch COVID-19 trong năm 2020.

Sản lượng giao thương hàng hoá sau khi chịu thiệt hại trong quý II/2020 đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng. 

Đà tăng trưởng có được một phần nhờ các hoạt động dịch chuyển cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp đa quốc gia sang Việt Nam. Phần khác đến từ sự quay trở lại của hoạt động sản xuất, tiêu dùng của cả trong nước và ngoài nước.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, đây cũng là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Kết thúc năm 2020, các doanh nghiệp cảng biển đã công bố báo cáo tài chính quý IV/2020 cũng như lũy kế cả năm 2020.

Đáng chú ý, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp gần cảng Cái Mép - Thị Vải có kết quả kinh doanh khả quan hơn. Trong khi đó, khu vực cảng miền Trung vẫn ghi nhận lợi nhuận tích cực dẫu xuất hiện ổ dịch COVID-19 và bão lụt.

Các cụm cảng phía Nam được hưởng lợi từ hiệu suất của cảng Cái Mép - Thị Vải

Một năm của các doanh nghiệp cảng biển lực đẩy kép - Ảnh 1.

Kết quả kinh doanh năm 2020 của các doanh nghiệp. (Nguồn: M.H tổng hợp từ báo cáo tài chính).

Nhìn lại một năm của các doanh nghiệp cảng biển nhờ lực đẩy kép - Ảnh 3.

Kết quả kinh doanh quý IV/2020 của các doanh nghiệp. (Nguồn: M.H tổng hợp từ BCTC quý IV).

Năm 2020, Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) ghi nhận doanh thu tăng 7% lên gần 794 tỷ đồng và 159 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, đồng thời vượt 11% mục tiêu lãi ròng năm 2020.

Riêng trong quý IV/2020, tổng doanh thu đã tăng 11,67%, trong đó doanh thu hoạt động khai thác cảng tăng 11,82%. 

Cảng Đồng Nai cho biết, doanh thu hoạt động khai thác quý IV/2020 tăng ngoài việc dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, thì việc tạm dừng trạm thu phí tại Cầu Đồng Nai từ ngày 24/8 đã tạo thêm lợi thế cạnh tranh khai thác hàng container khu vực TP HCM và Bình Dương, khiến sản lượng ngành hàng container tăng 19,2% so với cùng kỳ. 

Cũng trong khu vực cảng miền Nam, CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP) cũng báo lãi ròng tăng gần 13% lên 233 tỷ đồng năm 2020. Tuy nhiên công ty vẫn ôm lỗ lũy kế 72 tỷ đồng tính đến cuối năm 2020, dù đã giảm đáng kể so với khoản lỗ 297 tỷ đồng hồi đầu năm.

Nhìn lại một năm của các doanh nghiệp cảng biển nhờ lực đẩy kép - Ảnh 3.

Một góc cảng biển thuộc hệ thống Cảng Sài Gòn trên sông Soài Rạp, nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ, TP HCM. (Ảnh: Minh Hằng).

Cả năm 2020, CTCP Gemadept (Mã: GMD), công ty có hệ thống cảng trải dọc cả nước, có doanh thu thuần tương đương với năm trước đó, ở mức 2.604 tỷ đồng, nhưng lãi sau thuế giảm 29% so với năm 2019 xuống còn 438 tỷ đồng. Đây là năm công ty báo lãi thấp nhất trong 7 năm trở lại đây.

Nguyên nhân chính không đến từ hoạt động kinh doanh thuần mà đến từ lãi thanh lý các khoản đầu tư giảm, kéo doanh thu hoạt động tài chính giảm 74%. Ngoài ra, phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết cũng giảm 32% so với cùng kỳ.

Còn nếu xét riêng trong quý IV, doanh thu của Gemadept đã tăng 9% so với cùng kỳ. Song, phần lãi từ công ty liên doanh, liên kết giảm 25% và chi phí bán hàng tăng 11% đã khiến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp giảm nhẹ còn 65 tỷ đồng.

Tương tự như Gemadept, CTCP Cảng Cần Thơ (Mã: CCT) cũng giữ được khoản doanh thu thuần tương đương với năm 2019, dù lợi nhuận giảm đến 75% do mức giảm của khoản lợi nhuận khác.

Xét ở khu vực phía Bắc, CTCP Container Việt Nam (Viconship - Mã: VSC), công ty có hệ thống bãi container lớn nhất nhì khu vực Hải Phòng, ghi nhận doanh thu thuần năm 2020 đạt 1.688 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế tăng 4% lên 296 tỷ đồng. 

Là "cái nôi" của vận tải biển phía Bắc, đồng thời là thương cảng lớn nhất khu vực này, Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) ghi nhận doanh thu hợp nhất năm 2020 xấp xỉ kết quả năm 2019, với doanh thu đạt 1.147 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 324 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, kết quả năm 2020 cũng chỉ mới đạt được hơn một nửa cả về kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm.

Doanh nghiệp cảng miền Trung vẫn trụ vững dù là điểm nóng của dịch COVID-19

Tại khu vực miền trung, sau một năm đầy biến động vì có ổ dịch COVID-19 tại Đà Nẵng, các doanh nghiệp cảng biển tại đây vẫn có kết quả kinh doanh tích cực.

Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN) ghi nhận doanh thu tăng 9,8% lên hơn 904 tỷ đồng. Trong đó, hàng container qua cảng đạt khoảng 557.000 Teus, cao hơn 17% so với năm 2019. Lợi nhuận sau thuế của công ty sau năm COVID-19 thứ nhất là 209 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2019.

Nhìn lại một năm của các doanh nghiệp cảng biển nhờ lực đẩy kép - Ảnh 4.

Một góc cảng biển thuộc Cảng Đà Nẵng tại quận Sơn Trà. (Ảnh: Minh Hằng).

Xét riêng quý IV/2020 thì đây là quý đóng góp nhiều nhất vào mức tăng doanh thu năm của công ty. 

Đầu tháng 1/2021 vừa qua, công ty cũng đã ký hợp đồng nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam - CTCP trong vòng 5 năm.

CTCP Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) cũng có có lãi tăng trưởng, mà cụ thể là tăng hơn 13% so với năm 2019. 

Công ty lý giải nguyên nhân là sản lượng hàng hóa thông qua cảng năm 2020 đã tăng gần 21% so với cùng kỳ. Đồng thời doanh thu khai thác cảng đã tăng 10%.

Các doanh nghiệp cảng biển sẽ tiếp tục tăng trưởng phân hóa năm 2021

Dù cơ bản các mảng màu ngành cảng biển có nhiều điểm sáng, nhưng các công ty chứng khoán nhận định ngành cảng biển sẽ phải đối diện với một số khó khăn trong ngắn hạn.

Giải thích về kết quả kinh doanh năm 2020, CTCP Chứng khoán SSI cho rằng, sự tăng trưởng chậm lại có thể là do khan hiếm container toàn cầu dẫn đến các nhà sản xuất phải chờ đến lượt chuyển hàng. 

Đồng thời, sự mất cân đối trong việc nhập khẩu container từ châu Á sang Mỹ hoặc sang châu Âu đã gây ra sự thiếu hụt lớn container trên toàn châu Á.

Nhận định về năm 2021, CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết ngành cảng biển sẽ có sự tăng trưởng phân hóa.

Trong bức tranh phục hồi chung của toàn ngành, từng khu vực cảng biển sẽ chịu ảnh hưởng của các yếu tố đặc thù.

Cụ thể, khu vực cụm cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp tục tận hưởng tốc độ tăng trưởng trên 20% nhờ vào số lượng tuyến hàng hải trực tiếp tới các thị trường Mỹ, EU lớn nhất cả nước.

Việc tăng trưởng trong hiệu suất của cảng Cái Mép - Thị Vải sẽ đem lợi ích tới cho các cảng lân cận như khu vực TP HCM.

Trong khi đó, VDSC dự báo sản lượng tại Cảng Hải Phòng sẽ tăng khoảng 10% nhờ nhu cầu xuất nhập khẩu với sự phục hồi của thị trường châu Á, còn thị trường Mỹ sẽ tiếp tục bứt phá, thông qua tuyến hàng hải kết nối tại Lạch Huyện.

Minh Hằng