|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

EVN báo lãi ròng tăng 58% trong năm COVID-19 thứ nhất, vay nợ gần 17 tỷ USD

14:57 | 24/06/2021
Chia sẻ
Kết thúc năm COVID-19 thứ nhất, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến nhưng Tập đoàn EVN vẫn báo lãi tăng gấp rưỡi nhờ khoản chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được giảm tới 71% so với năm 2019.
EVN báo lãi sau thuế tăng gấp rưỡi trong năm COVID-19 thứ nhất - Ảnh 1.

Trụ sở Công ty Điện lực Sài Gòn, công ty dưới quyền quản lý của Tổng công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh thuộc Tập đoàn EVN, địa chỉ số 1, đường Võ Văn Tần, quận 3, TP HCM. (Ảnh minh họa: Minh Hằng).

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2020 với doanh thu tuần tăng nhẹ 2% so với năm 2019 lên 403.283 tỷ đồng.

Nhờ tiết giảm các chi phí đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp giúp EVN báo lãi gấp rưỡi năm 2019, hơn 14.480 tỷ đồng sau thuế. Lợi nhuận ròng đạt 12.467 tỷ, tăng 58%.

Dù lợi nhuận trước thuế tăng 23% song tổng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được giảm đến 71% về 783 tỷ đồng. 

Trong năm, tập đoàn còn ghi nhận doanh thu tài chính tăng 31% lên gần 5.200 tỷ đồng, chủ yếu đến từ lãi tiền gửi, tiền cho vay (hơn 4.900 tỷ đồng).

EVN báo lãi ròng tăng 58% trong năm COVID-19 thứ nhất, vay nợ gần 17 tỷ USD - Ảnh 2.

Nguồn: M.H tổng hợp từ báo cáo tài chính hợp nhất các năm

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của EVN xấp xỉ 729.452 tỷ đồng, tăng gần 8.000 tỷ đồng so với đầu năm. 

Trong đó, khoản tiền, tương đương tiền và các hoạt động đầu tư tài chính (chứng khoán, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, góp vốn vào đơn vị khác) đã tăng gần 24% lên 142.468 tỷ đồng và chiếm gần 1/5 tổng tài sản.

Đến cuối năm, nợ phải trả của EVN chiếm 67% trong tổng nguồn vốn,  phần lớn tập trung vào nợ dài hạn hơn 343.500 tỷ đồng. Tổng nợ đi vay của tập đoàn trong năm đã giảm gần 12.300 tỷ xuống 386.452 tỷ đồng (16,8 tỷ USD) nhưng vẫn gấp 1,6 lần vốn chủ sở hữu.

Trước đó, bên cạnh những kết quả đạt được, EVN đã đánh giá năm 2020 là một năm vận hành đầy biến động, tập đoàn phải đối mặt nhiều khó khăn trong sản xuất, cung ứng điện.

EVN ước tính sản lượng điện thương phẩm cả năm 2020 ở mức khoảng 214,3 tỷ kWh, tăng 2,16% so với năm 2019.

Ngoài dịch COVID-19 thì tình hình thời tiết, thủy văn diễn biến bất thường, trong đó tình hình khô hạn trong các tháng đầu năm và bão lũ liên tiếp trong các tháng cuối năm 2020 ảnh hưởng lớn đến cung ứng điện và gây thiệt hại nặng nề cho hệ thống điện của EVN.

Thời điểm đầu năm, phụ tải tăng trưởng cao trong khi nguồn cung cấp điện thiếu hụt nên huy động cao các nguồn điện dầu ngay từ tháng 1/2020. Tuy nhiên đến cuối năm, với việc các nguồn điện mặt trời được đưa vào vận hành với khối lượng rất lớn, trong khi nhu cầu phụ tải giảm thấp, dẫn đến tình trạng thừa nguồn cấp và thực hiện cắt giảm công suất phát các nguồn điện, kể cả các nguồn điện năng lượng tái tạo.

Ngoài ra, EVN cho biết "trong đầu tư xây dựng, công tác chuẩn bị đầu tư dự án còn bị chậm so với kế hoạch, thời gian thực hiện thủ tục xin chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng kéo dài".

Một số dự án, đặc biệt là các dự án lưới điện gặp khó khăn, vướng mắc trong việc thỏa thuận vị trí, hướng tuyến do quy hoạch chồng chéo của các địa phương. Đồng thời công tác quản lý đất đai ở một số địa phương còn nhiều tồn tại nên thời gian lập phương án bồi thường và bàn giao mặt bằng kéo dài…

Minh Hằng

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.