19 doanh nghiệp thuộc siêu uỷ ban mang về hơn 2 triệu tỷ doanh thu, công ty mẹ EVN ước lãi hơn 4.000 tỷ năm nay
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), lãnh đạo siêu uỷ ban cho biết 19 tập đoàn, tổng công ty do ủy ban làm đại diện chủ sở hữu có doanh thu năm ước đạt 2.030.572 tỷ đồng, bằng 120% kế hoạch năm và tăng 7% so với cùng kỳ.
Lợi nhuận trước thuế ước đạt 111.692 tỷ đồng, vượt 58% kế hoạch năm và tăng 56% so với cùng kỳ. Giá trị nộp ngân sách nhà nước ước đạt 206.206 tỷ đồng, bằng 153% kế hoạch năm và bằng 105% so với cùng kỳ.
Về tình hình đầu tư phát triển, năm 2024, giá trị thực hiện đầu tư hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu ước đạt 160.000 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ.
Công ty mẹ EVN ước lãi hơn 4.100 tỷ năm nay
Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2024 là năm thứ 4 EVN thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025, nhiệm vụ đặt ra trong năm của EVN là hết sức nặng nề trong cả 2 khía cạnh đảm bảo cung ứng điện và cân đối tài chính.
Đồng thời quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu phụ tải tăng cao, tình hình thiên tai bão lũ ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo cung ứng điện, đặc biệt ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) tại các tỉnh miền Bắc; công tác đầu tư xây dựng các dự án điện còn nhiều vướng mắc về thủ tục, thu xếp vốn, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; việc đảm bảo cân đối tài chính gặp khó khăn do chi phí nhiên liệu vẫn ở mức cao…
Điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2024 ước đạt 309,4 tỷ kWh, tăng 10% so với thực hiện năm 2023. Trong đó, điện sản xuất và mua của EVN năm 2024 ước đạt 298,7 tỷ kWh tăng gần 10% so với thực hiện năm 2023.
Điện thương phẩm toàn tập đoàn năm ước đạt 276 tỷ kWh, tăng gần 10% so với năm 2023, trong đó điện cấp cho công nghiệp xây dựng chiếm tỷ trọng gần 51,5%, tăng 10% so với năm 2023, điện cấp cho quản lý tiêu dùng chiếm tỷ trọng hơn 35% và tăng gần 9% so với năm ngoái.
Doanh thu bán điện toàn EVN năm 2024 ước đạt 575.000 tỷ đồng, tăng 13,7% so với năm 2023, trong đó, doanh thu của công ty mẹ EVN ước đạt hơn 480.000 tỷ đồng.
Với điều kiện thủy văn năm nay diễn biến theo chiều hướng thuận lợi nên công ty mẹ EVN năm 2024 dự kiến lãi trước thuế hơn 4.100 tỷ đồng. Giá trị nộp ngân sách năm 2024 toàn tập đoàn ước đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm 2023.
Ngoài ra, lãnh đạo một số tập đoàn khác cũng công bố sơ bộ kết quả kinh doanh năm.
Ông Nguyễn Hồng Hiển - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Viễn thông MobiFone cho biết năm 2024 được đánh giá là một năm bản lề của MobiFone dù thị trường viễn thông vẫn gặp nhiều khó khăn và sự cạnh tranh gay gắt. Tổng công ty đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận trước 20% và dự kiến tăng trưởng trên 30% trong năm 2024.
Về Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), ông Hoàng Gia Khánh - thành viên Hội đồng thành viên VNR cho biết, năm 2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh của VNR đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong đó lĩnh vực vận tải đường sắt chịu nhiều thiệt hại bởi các nguyên nhân khách quan như sự cố sụt lở đất đá khi nhà thầu thi công cải tạo, sửa chữa hầm Bãi Gió, Chí Thạnh, Cơn bão số 3 (Yagi)…
Năm nay, lượng hành khách đi tàu đạt trên 7 triệu lượt hành khách, vượt 14% kế hoạch và cùng kỳ. Vận chuyển hàng hóa đạt trên 5 triệu tấn, vượt 5,5% kế hoạch và tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Doanh thu hợp nhất của VNR ước đạt trên 9.500 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 130 tỷ đồng.
Còn ông Đặng Hồng Tuấn - thành viên Hội đồng thành viên Tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết năm 2024, tổng sản lượng sản xuất kinh doanh của Vinacafe đạt 80.495 tấn.
Các chỉ tiêu tài chính năm 2024 đều vượt so với thực hiện năm 2023 và ước tính lợi nhuận tăng trưởng 24% so với cùng kỳ.
Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình ký văn bản số 141 ngày 6/12 về kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Theo đó, Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động; quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước với 19 tập đoàn, tổng công ty sẽ chuyển về các bộ quản lý ngành. Đơn vị này sẽ được nghiên cứu mô hình tổ chức mới theo hướng trực thuộc Chính phủ.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được lập từ tháng 2/2018. Uỷ ban này là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.