Một công ty thủy sản nợ Sacombank hơn 5.800 lượng vàng
CTCP Thủy hải sản Sài Gòn (Mã: APT) đã công bố báo cáo tài chính năm 2020 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Hãng kiểm toán AASC.
Kiểm toán đã đưa ra loạt ý kiến ngoại trừ, một số vấn đề cần nhấn mạnh trên báo cáo của APT. APT cũng bị kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục do lỗ luỹ kế, nợ quá hạn cùng với các khoán phải thu, phải trả chưa được đối chiếu, xác nhận đầy đủ.
Nợ trên nghìn tỷ tích trữ từ hơn một thập kỷ
Theo ý kiến của kiểm toán, APT lỗ lũy kế gần 939 tỷ đồng tính tới cuối năm 2020, trong khi đầu năm lỗ 735 tỷ đồng.
Phần lỗ này trên báo cáo đến từ việc trích lập chi phí lãi vay từ các khoản nợ trên 1.006 tỷ đồng gồm các khoản nợ đến hạn chưa thanh toán gần 428 tỷ đồng, các khoản phải trả ngắn hạn khác khoảng 565 tỷ.
Cụ thể, khoản đi vay gần 428 tỷ đồng, tăng 21% so với ngày đầu năm do APT đã đánh giá lại khoản nợ vay 5.833 lượng vàng SJC tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, Mã: STB). Số vàng này đã được công ty vay từ năm 2009 với thời hạn 1 năm.
Tuy nhiên, APT đã trích lập chi phí lãi vay trong năm 2020 cho toàn bộ khoản vay bằng vàng và tiền tại Sacombank với số tiền 45,7 tỷ đồng. Số vay này được trích theo lãi suất ký kết trên các hợp đồng vay và chưa tính đến lãi quá hạn.
Đối với khoản phải trả ngắn hạn gần 565 tỷ đồng, công ty đang phải chịu lãi vay chủ yếu của Sacombank và Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH Một thành viên (SATRA). Đây là khoản nợ quá hạn và công ty xác định là không có khả năng thanh toán. Những khoản vay còn lại là công nợ phát sinh giai đoạn trước cổ phần hóa.
Khoản lỗ 939 tỷ đồng tích trữ nhiều năm đã làm âm vốn chủ sở hữu 849 tỷ đồng. Ngoài ra, nợ ngắn hạn của công ty lớn hơn tài sản ngắn hạn khoảng 924 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, APT còn ghi nhận 111 tỷ đồng nợ xấu, phần lớn đến từ CTCP Bảo Vinh. Khoản nợ xấu này đã được trích lập dự phòng 100% và công ty đã khởi kiện ra tòa án nhân dân, thi hành án yêu cầu thanh toán nợ.
Dù vấn đề nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục đã được kiểm toán nêu ra những năm trước nhưng báo cáo tài chính năm 2020 vẫn được lập trên cơ sở hoạt động liên tục dựa trên các cam kết của giám đốc.
Theo đơn vị kiểm toán, khả năng tiếp tục hoạt động kinh doanh của công ty sẽ phụ thuộc vào sự hỗ trợ của các chủ sở hữu và sự chấp thuận của ngân hàng trong việc tái cơ cấu vốn vay cùng kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu trong thời gian tới.
"Thanh toán hết các khoản nợ nằm ngoài khả năng của công ty"
Đối với khoản nợ tại Sacombank, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021, ban lãnh đạo cho biết các giải pháp xử lý nợ trước đây như chuyển nợ vay thành vốn góp điều lệ, phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ nhằm thực hiện việc tái cấu trúc công ty theo chỉ đạo của UBND TP HCM đã được ĐHĐCĐ thông qua nhiều năm trước.
Cũng theo tài liệu này, ban lãnh đạo công ty chia sẻ đã xây dựng thành các phương án để đàm phán với ngân hàng nhưng không thể thực hiện được do cơ chế pháp lý. Hiện nay, công ty đang đề xuất phương án hai bên cùng tìm kiếm nhà đầu tư mua lại khoản nợ vay này.
Đối với khoản công nợ gần 25 tỷ đồng với SATRA, trong năm 2020, SATRA và APT đã ký biên bản xác nhận giảm cổ tức vốn nhà nước năm 2007. Theo đó, APT đã hạch toán xóa nợ phải trả đối với khoản cổ tức chia vốn nhà nước gần 1,96 tỷ đồng.
Dù cố gắng đưa ra các biện pháp khắc phục, ban lãnh đạo công ty vẫn nhấn mạnh: "Việc phải thanh toán các khoản phải trả ngân sách Nhà nước, nợ lãi cho SATRA và các khoản nợ phải trả đã quá hạn tại Sacombank đối với công ty là rất khó thực hiện, nằm ngoài khả năng công ty. Nếu không có giải pháp tài chính phù hợp sẽ làm ảnh hưởng dẫn đến ngừng trệ mọi hoạt động của công ty".
Chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận
Về Thủy Hải sản Sài Gòn, vốn là một công ty 100% vốn nhà nước, sau đó được cổ phần hóa vào đầu năm 2007. Hoạt động kinh doanh chính của công ty là nuôi trồng thủy sản, sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thủy hải sản chế biến,...Trong đó thị trường xuất khẩu chính của công ty gồm châu Âu, Nga, Hàn Quốc, Australia,...
Tại thị trường nội địa, APT phân phối sản phẩm cho các hệ thống siêu thị thành viên Big C Việt Nam, các siêu thị thành viên Sài Gòn Co.op,...
Do các khoản vay quá hạn và lỗ tích trữ từ trước nên APT liên tục thua lỗ. Riêng trong năm 2020, nếu chỉ tính hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp thủy sản này ghi nhận doanh thu 350 tỷ đồng với kim ngạch xuất khẩu 6,89 triệu USD. Lợi nhuận thu về 4,6 tỷ đồng.
Song doanh nghiệp vẫn báo lỗ 206 tỷ đồng cả năm 2020 do phải chịu chi phí tài chính gần 206 tỷ, gấp 1,85 lần năm ngoái.
Tính tới cuối năm 2020, công ty có vốn điều lệ 88 tỷ đồng, trong đó SATRA nắm 30% vốn.
Đáng chú ý là dù APT đang phải ôm lỗ nhiều năm nhưng trong năm 2020, CTCP Đầu tư SFC, một công ty liên quan đến Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty và bà Hồ Thị Sương đã góp tổng cộng 35,8 tỷ đồng để trở thành cổ đông. Tuy nhiên, bà Hồ Thị Sương đã không còn là cổ đông lớn của công ty kể từ ngày 5/2/2021.
Theo tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, trong các phương án khắc phục khoản lỗ, hội đồng quản trị lưu ý việc cho phép SFC mua lại 51% vốn công ty mà không phải chào mua công khai.
Thực tế, SFC lại đã mua 1,58 triệu cổ phần APT trong tổng đăng ký mua thêm 2,48 triệu đơn vị trong tháng 3. Tỷ lệ sở hữu SFC tại ngày 5/3/2021 tăng từ 22,81% lên 40,94%.