|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Siêu cảng Gemalink lỗ 209 tỷ đồng quý I, kỳ vọng hoà vốn vào cuối năm

19:55 | 05/05/2021
Chia sẻ
Mặc dù vậy, Gemalink vẫn được các nhà phân tích dự báo sẽ hoà vốn trong năm nay, đóng góp tích cực vào tăng trưởng dài hạn cho Gemadept (GMD).
Siêu cảng Gemalink chưa mang về lợi nhuận kỳ vọng cho Gemadept (GMD) - Ảnh 1.

Một góc siêu cảng Gemalink. (Ảnh: VTV).

Được khởi công xây dựng từ tháng 2/2019, Cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink) là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay, lên đến 200.000 DWT.

Ngày 19/1/2021, Gemalink đã chính thức đón chuyến tàu thường mại đầu tiên sau thời gian xây dựng. Siêu tàu thuộc tuyến JAX trên hải trình châu Á - Mỹ, có tải trọng 165.375 DWT, chiều dài 365,5 m và sản lượng container xếp/dỡ đạt gần 8.500 Teu.

Được kỳ vọng sẽ là con át chủ bài cho doanh thu của CTCP Gemadept (mã: GMD) trong năm 2021 trước áp lực cạnh tranh từ cảng Nam Đình Vũ, song Gemalink vẫn tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 209 tỷ đồng trong quý I/2021, theo báo cáo tài chính hợp nhất GMD.

Trước đó, Chứng khoán VCBS từng đưa ra dự báo nhu cầu phục vụ hàng hóa tại khu vực Cái Mép sẽ tăng trưởng cao cùng với cảng hạ nguồn đã ở giới hạn công suất thiết kế sẽ giúp sản lượng của Gemalink trong năm 2021 có thể đạt 736.247 TEU, về cơ bản giúp cảng đạt được trạng thái hòa vốn.

Mặc dù Gemalink chưa mang về lợi nhuận như kỳ vọng, song trong ba tháng đầu năm GMD vẫn ghi nhận doanh thu đạt 687 tỷ đồng và lãi sau thuế 172 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và 40% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động khai thác cảng mang về 582 tỷ đồng doanh thu, hoạt động logictis và cho thuê văn phòng đóng góp 105 tỷ đồng. 

Trong kỳ, các chi phí đều có xu hướng giảm. Đáng kể nhất, chi phí tài chính giảm 50% xuống 28 tỷ đồng do ghi nhận số tiền hoàn nhập từ khoản đầu tư tài chính, đồng thời lỗ chênh lệch tỷ giá giảm 6 lần từ 12 tỷ đồng cùng kỳ năm trước xuống xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Do Gemalink vẫn lỗ nên phần lãi trong công ty liên kết của GMD giảm 58% xuống 25 tỷ đồng trong quý đầu năm. Song công ty có thêm 14 tỷ đồng từ thu nhập khác, góp phần giúp lãi sau thuế tăng 40% so với cùng thời điểm năm trước.

Siêu cảng Gemalink chưa mang về lợi nhuận kỳ vọng cho Gemadept (GMD) - Ảnh 2.

Tổng hợp kết quả kinh doanh quý I/2021 của GMD. (Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất GMD).

Tại 31/3/2021, GMD sở hữu 10.026 tỷ đồng tổng tài sản, chủ yếu tài sản dài hạn chiếm 86%. Tổng tiền mặt và tiền gửi cuối kỳ của doanh nghiệp 442 tỷ đồng. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang 1.749 tỷ đồng, trong đó chủ yếu nằm tại các dự án trồng cao su 1.625 tỷ đồng, chiếm 93%.

Cuối kỳ, tổng nợ phải trả của GMD 3.270 tỷ đồng. Trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn - dài hạn 1.854 tỷ đồng, chiếm 57% tổng nợ doanh nghiệp. Vốn chủ sở hữu cuối quý I 6.756 tỷ đồng, trong đó có 3.014 tỷ đồng vốn góp và 580 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Nói thêm về Gemalink, nếu cảng hoạt động đúng như kế hoạch của GMD đó là đạt thông lượng 1,2 triệu TEU vào cuối năm nay, xấp xỉ 80% công suất giai đoạn một, thì công ty sẽ tiến hành triển khai giai đoạn hai trong năm nay.

Giai đoạn hai sẽ tăng thêm 900.000 TEU công suất thông qua việc xây dựng như mở rộng cầu cảng chính, cầu cảng cho xà làn và tàu trung chuyển. Đồng thời công ty cũng sẽ đầu tư thêm trang thiết bị như cẩu bờ và RTG.

Thời gian xây dựng sẽ kéo dài dự kiến khoảng 1,5 năm, giai đoạn hai và sẽ đi vào hoạt động từ năm 2023. Chứng khoán VDSC cho biết nguồn vốn giai đoạn này ước khoảng 220 triệu USD và có thể từ vay nợ.

"Tuy nhiên, cơ cấu tài trợ khác cho giai đoạn này có thể là nợ kết hợp phát hành riêng lẻ cho các hãng tàu quốc tế khi các hãng này cũng đang quan tâm đến việc sở hữu cổ phần tại Gemalink", báo cáo đưa nhận định.

Thực tế, GMD cũng đang đàm phán chuyển nhượng cổ phần tại Gemalink với các hãng vận tải container quốc tế trong kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại Gemalink từ 65% xuống 51%.

Thiên Trường