Nhìn lại một quý 'bội thu' của các doanh nghiệp cảng biển
Đầu năm 2021, khi dịch COVID-19 trong nước cơ bản đã được kiểm soát, sự phục hồi của hoạt động sản xuất, tiêu dùng nội địa cũng như tại các quốc gia đối tác xuất khẩu của Việt Nam là một trong các bệ đỡ giúp hoạt động thương mại của Việt Nam trở nên sáng sủa.
Thực tế, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý I/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của cả nước đạt 154 tỷ USD, tăng hơn 25% với cùng kỳ năm trước.
Trong đó trị giá hàng hóa xuất khẩu đạt 78,4 tỷ USD, tăng gần 24% và nhập khẩu đạt 75,6 tỷ USD, tăng 27%. Cán cân thương mại trong quý I/2021 ở mức thặng dư trị giá 9,23 tỷ USD.
Cục Hàng Hải Việt Nam cho biết, thống kê tháng 3 đầu năm 2021, một số khu vực cảng biển có lượng hàng thông qua lớn, tăng trưởng dương trong vài tháng gần đây là khu vực Hải Phòng tăng 13%, khu vực TP HCM tăng 4,8% so với cùng kỳ.
Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua lớn nhất gồm TP HCM đạt 40 triệu tấn, Vũng Tàu đạt 28 triệu tấn, Quảng Ninh đạt 22 triệu tấn và Hải Phòng đạt 23 triệu tấn.
Các khu vực cảng biển khác có hàng container thông qua lớn nhất cả nước tăng mạnh đặc biệt là container xuất nhập khẩu như khu vực Vũng Tàu tăng 26%; khu vực Hải Phòng tăng 17% và khu vực TP HCM tăng 15% so với cùng kỳ năm 2020.
Doanh nghiệp cảng biển 'đắt khách' ngay quý đầu năm
Kết quả kinh doanh cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp cảng biển đều "đắt khách" trong quý I và ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng.
Doanh nghiệp đầu tiên phải kể đến là CTCP Gemadept (Mã: GMD) với hệ thống cảng trải dài khắp Việt Nam.
Quý I vừa qua, Gemadept đã lấy lại được đà tăng trưởng khi ghi nhận doanh thu đạt 687 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 172 tỷ, lần lượt tăng trưởng 14% và 40% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khoảng 6 năm trở lại đây, cơ cấu doanh thu của Gemadept đã có sự dịch chuyển rõ rệt. Cụ thể, doanh nghiệp này đã giảm dần mảng logistics để tập trung hơn vào hoạt động khai thác cảng. Trong đó, tỷ trọng doanh thu của khai thác cảng đã tăng từ mức 47% vào năm 2015 lên mức 83% trong năm 2020.
Năm 2021, Gemadept dự kiến sẽ tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm nhằm mở rộng quy mô và tạo tiền đề cho các kế hoạch tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Một trong số đó là đưa cảng nước sâu Gemalink - Giai đoạn 2 (có vị trí tọa lạc ngay tại cửa sông Cái Mép - cửa ngõ đi vào cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, Bà Rịa Vũng Tàu) triển khai quý IV/2021 và mục tiêu đưa vào khai thác từ năm 2023, tạo tiền đề cho Gemadept tăng trưởng dài hạn.
Cụm cảng phía Nam vẫn là điểm sáng
Đầu năm 2021, khu vực Cái Mép – Thị Vải đón nhận nguồn cung mới khi cảng Gemalink giai đoạn 1 (công suất 1,5 triệu TEU / năm) đi vào hoạt động. Tuy vậy, Chứng khoán Ngân Hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (VCBS) cho rằng mức độ cạnh tranh trong khu vực dự báo sẽ vẫn duy trì ở mức thấp.
Tại khu vực TP HCM, cuối năm 2020, HĐND TP HCM đã thông qua đề án thu phí hạ tầng tại các cảng biển trong địa bàn thành phố.
Cùng với đó, quá trình di dời các cảng nội thành TP HCM được thúc đẩy mạnh mẽ để giải quyết tình trạng ùn tắc và phù hợp với quy hoạch thành phố. Điều này mang đến động lực tích cực cho quá trình dịch chuyển nguồn hàng sang các cảng nước sâu tại khu vực phía Nam trong giai đoạn này.
Đơn cử như CTCP Cảng Sài Gòn (Mã: SGP), quý I vừa qua, lợi nhuận của doanh nghiệp này đã gấp gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải trình, nguyên nhân đến từ doanh thu mảng cung cấp dịch vụ khai thác cảng tăng nhiều hơn mức tăng của giá vốn. Đồng thời công ty còn nhận được lãi từ các công ty liên doanh liên kết.
CTCP Cảng Đồng Nai (Mã: PDN) (nằm sát khu vực TP HCM) cũng ghi nhận lợi nhuận khởi sắc nhờ các yếu tố vĩ mô. Bên cạnh đó, việc tạm dừng trạm thu phí tại cầu Đồng Nai đã tạo thêm lợi thế cạnh tranh hàng container cho khu vực TP HCM, Bình Dương.
Tại khu vực miền Trung, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp cảng vẫn tăng trưởng dù không nhiều nổi bật.
Trong đó, Cảng Đà Nẵng (Mã: CDN) và Cảng Quy Nhơn (Mã: QNP) ghi nhận lợi nhuận tăng lần lượt 7% và 27% nhờ doanh thu từ khai thác cảng cải thiện.
Theo Dự thảo sửa đổi, bổ sung thông tư 54/2018, khung giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng được điều chỉnh tăng 10% trong năm 2021 và tiếp tục tăng theo lộ trình trong các năm tới.
Do đó, VCBS nhận định nhóm cảng biển miền Nam và trung nguồn sông Cấm (Hải Phòng) có khả năng tận dụng tốt lộ trình tăng khung giá bốc dỡ nhờ áp lực cạnh tranh thấp.
Nằm tại cảng biển Hải Phòng, cửa ngõ xuất nhập khẩu của miền Bắc nơi chiếm khoảng 41% kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước, CTCP Đầu tư và Phát triển Cảng Đình Vũ (Mã: DVP) ghi nhận sản lượng qua cảng đạt 145.769 TEU, tăng 20% so với cùng kỳ.
Kết quả, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I đều tăng trưởng, lần lượt ở mức 25% và 18%.
Về triển vọng thì CTCP Cảng Hải Phòng (Mã: PHP) thu hút được nhiều quan tâm trong cụm cảng phía Bắc hơn cả khi đang sở hữu thị phần lớn nhất tại Hải Phòng và là cụm cảng lớn thứ hai của Việt Nam nên tận dụng được dòng chảy thương mại toàn cầu, trích dẫn từ báo cáo của VNDirect công bố tháng 4/2021.
Trong quý I, nhờ sản lượng hàng hóa được thông qua cảng nhiều lên, doanh thu tăng trưởng kéo theo biên lợi nhuận gộp của PHP cải thiện từ 36% lên 39%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Cảng Hải Phòng đã đạt hơn 173 tỷ đồng và bằng 142% so với cùng kỳ năm ngoái.
Để tiếp tục củng cố vị trí dẫn đầu trong cụm cảng Hải Phòng, PHP sẽ đầu tư hai cầu cảng tại Cảng Cửa ngõ Quốc tế Hải Phòng từ quý III/2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Hưởng lợi từ nhiều yếu tố thúc đẩy như các hiệp định thương mại nhưng câu chuyện mà ngành vận tải biển Việt Nam thời gian gần đây vẫn phải đối mặt là việc thiếu container rỗng và giá cước tăng cao. Tuy nhiên, các chuyên gia khẳng định đây chỉ là khó khăn ngắn hạn đối với ngành cảng biển.