VDSC: Cụm cảng Hải Phòng là động lực tăng trưởng chính cho Gemadept, gánh lỗ cho cả siêu cảng Gemalink
Chứng khoán VDSC cập nhật dự báo kết quả kinh doanh CTCP Gemadept (mã: GMD) cho thấy dự kiến doanh thu và lãi trước thuế dự kiến lần lượt tăng 7% và 26% so với cùng kỳ năm trước lên 2.785 tỷ đồng và 647 tỷ đồng.
Tổng sản lượng ước tính 2,1 triệu TEU, tăng 18% so với cùng kỳ chủ yếu nhờ đóng góp từ cảng Nam Đình Vũ khi cảng này bắt thu hút thêm nhiều tuyến dịch vụ vận tải mới. Doanh thu mảng cảng của GMD dự kiến tăng 14% trong năm nay.
Về siêu cảng Cái Mép Gemadept - Terminal Link (Gemalink), chuyên viên phân tích nhận định có thể lỗ luỹ kế 80 tỷ đồng trong năm nay. Song nhờ tăng trưởng doanh thu từ Nam Đình Vũ và Nam Hải Đình Vũ có thể bù đắp khoản lỗ này.
Nam Đình Vũ là động lực thúc đẩy tăng trưởng
Trong quý I, VDSC ước tính số lượng cập cảng hàng tuần tại Nam Đình Vũ đã tăng lên mức trung bình 9 chuyến. Cảng Nam Hải hiện đang phục vụ hai chuyến container hàng tuần cho Asean Seas Line nối với Hong Kong và Trung Quốc.
Trong khi đó, hoạt động tại Cảng Nam Hải Đình Vũ tương đối ổn định với 9 đến 10 chuyến cập cảng hàng tuần từ đầu năm 2020 cho đến nay và đang vận hành gần với mức công suất toàn dụng (535.000 TEU).
Nhờ mức cơ sở thấp trong năm 2020 do một số khách hàng chuyển ra cảng nước sâu Lạch Huyện trong năm 2019 và ảnh hưởng từ đại dịch, VDSC ước tính sản lượng của GMD tại Hải Phòng sẽ mức tăng trưởng mạnh 30% trong năm nay nhờ các dịch vụ vận chuyển mới tại Nam Đình Vũ.
"Trong hai năm tới, chúng tôi kỳ vọng cảng này sẽ tiếp tục thu hút các tuyến vận tải biển mới do triển vọng thương mại tích cực của Việt Nam và trở thành động lực tăng trưởng chính cho cụm cảng GMD tại đây, khi Nam Hải Đình Vũ phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn cảng do hiệu suất hoạt động đang ở mức cao" chuyên viên phân tích nhận xét.
Ngoài ra, Nam Đình Vũ cũng đang được GMD xem xét mở rộng trong năm nay, chậm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu do sản lượng thấp hơn dự kiến trong năm 2020. Thời gian xây dựng dự kiến là một năm, do đó giai đoạn hai dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong nửa cuối năm 2022.
Gemalink lỗ ròng 80 tỷ đồng năm 2021
Trong quý I, MA-CGM, cổ đông sở hữu 12,25% tại Gemalink, đã thiết lập hai tuyến dịch vụ mang tên Columbus JAX và Pacific Express 3 tại đây bằng cách chuyển các dịch vụ này từ Cảng Quốc tế Cái Mép CMIT.
Về lý thuyết, các dịch vụ này sẽ mang về ba chuyến tàu mỗi tuần cho Gemalink, trong đó hai chuyến từ Columbus JAX (một đến Bờ Tây Mỹ và một đến Bờ Đông Mỹ), một từ Pacific Express 3 (đi đến Bờ Tây Hoa Kỳ).
Ba tháng đầu năm, Gemalink đã phục vụ 19 tàu mẹ cập cảng và bốc dỡ khoảng 89.000 TEU. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 của Gemadept, Gemalink ghi nhận khoản lỗ 209 tỷ đồng. VDSC dự báo, cả năm 2021, Gemalink sẽ đạt 686.000 TEU, hiệu suất hoạt động 46% và chịu lỗ luỹ kế 80 tỷ đồng.
Trong một cuộc họp gần đây, lãnh đạo GMD đã chia sẻ mong muốn thúc đẩy giai đoạn hai của Gemalink trong năm nay, tăng thêm 900.000 TEU công suất thông qua xây dựng mở rộng cầu cảng chính, cầu cảng xà lan và tàu trung chuyển.
Thời gian xây dựng sẽ kéo dài khoảng 1,5 năm, giai đoạn hai, theo đó sẽ đi vào hoạt động vào năm 2023. Chuyên viên phân tích ước tính nguồn vốn cho giai đoạn này khoảng 220 triệu USD sẽ đến từ nợ vay kết hợp phát hành riêng lẻ cho các hãng tàu quốc tế khi các hãng này cũng đang quan tâm đến việc sở hữu cổ phần tại Gemalink.
Trên thực tế, GMD đang đàm phán chuyển nhượng cổ phần tại Gemalink với các hãng vận tải container quốc tế trong kế hoạch giảm tỷ lệ sở hữu tại Gemalink từ 65% xuống 51%.