|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Doanh nghiệp giặt ủi có vốn vài chục tỷ đồng mạnh tay chi 2.800 tỷ để mua quyền khai thác cát sông

15:55 | 12/04/2021
Chia sẻ
Không ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trong hai năm hoạt động, song doanh nghiệp giặt ủi có vốn 27 tỷ đồng này đã mạnh tay chi hơn 2.800 tỷ đồng để được quyền khai thác mỏ cát tại tỉnh An Giang.

Những ngày gần đây, báo chí liên tục đưa tin về sự việc đấu giá công khai khoáng sản cát sông tại hai mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu thuộc địa bàn tỉnh An Giang với mức giá trúng đấu giá và giá khởi điểm có độ chênh lệch “khủng”.

Doanh nghiệp giặt ủi có vốn vài chục tỷ đồng mạnh tay chi 2.800 tỷ để mua quyền khai thác cát sông  - Ảnh 1.

Doanh nghiệp giặt ủi có vốn vài chục tỷ đồng mạnh tay chi 2.800 tỷ để mua quyền khai thác cát sông  - Ảnh 2.

Nguồn: Sở Tài nguyên & Môi trường An Giang.

Đáng chú ý, mỏ cát trên sông Tiền, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, có trữ lượng gần 2,4 triệu m3 cát đã thuộc về T-S.Home, một doanh nghiệp có trụ sở tại TP HCM với giá trúng thầu gần 2.812 tỷ đồng, gấp hơn 400 lần so với giá khởi điểm (7,2 tỷ đồng).

Doanh nghiệp giặt ủi bất ngờ chuyển sang lĩnh vực chuẩn bị mặt bằng

Theo tìm hiểu, T-S.Home có tên đầy đủ là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ T-S.Home, được thành lập vào đầu năm 2018 có trụ sở chính tại quận 7, TP HCM. Thời điểm đó, ngành nghề chính của công ty là giặt là, làm sạch các sản phẩm dệt và lông thú.

Vốn điều lệ ban đầu là 9 tỷ đồng, hai cá nhân đứng ra góp vốn là ông Hồ Quang Thái Dũng (sinh năm 1975), người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc công ty. Ông Dũng góp 55,5% vốn vào T-S.Home còn bà Huỳnh Thị Phượng góp số còn lại.

Tháng 7/2020, doanh nghiệp bất ngờ tăng vốn điều lệ lên 27 tỷ đồng, gấp ba lần vốn ban đầu. Lúc này, ông Dũng tăng tỷ lệ sở hữu lên gần 85,2%, tương ứng bà Phượng chỉ còn nắm 14,8% cổ phần.

Ba tháng sau, T-S.Home đột ngột chuyển hoạt động kinh doanh chính sang ngành chuẩn bị mặt bằng, làm sạch mặt bằng xây dựng, đào lấp, san và ủi tại các mặt bằng xây dựng. Đây là ngành nghề trước đây doanh nghiệp chưa đăng ký với cơ quan thuế.

Về kết quả kinh doanh, theo nguồn tin riêng của chúng tôi, kể từ khi thành lập đến cuối năm 2019, doanh nghiệp chưa hề phát sinh khoản doanh thu, lợi nhuận nào.

Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, ông Dũng ngoài ra còn góp 10% cổ phần tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Huỳnh Gia Cát, một doanh nghiệp thành lập năm 2011 với ngành nghề chính là chuẩn bị mặt bằng do bà Phượng làm Giám đốc. Công ty này cũng có địa chỉ tại phường Tân Phong, quận 7 với T-S.Home.

Doanh nghiệp liệu có "bỏ chạy" hay lợi ích nhóm đằng sau?

Doanh nghiệp giặt ủi có vốn vài chục tỷ đồng mạnh tay chi 2.800 tỷ để mua quyền khai thác cát sông  - Ảnh 3.

Khai thác cát sông tại tỉnh An Giang. (Nguồn: Sở Tài nguyên & Môi trường An Giang).

Theo thông tin từ báo Công an Nhân dân, đại diện một doanh nghiệp chuyên kinh doanh, khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh An Giang cho biết hiện giá cát sông dùng trong san lấp trên địa bàn tỉnh An Giang, cũng như tại nhiều tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long dao động từ 50.000 - 80.000 đồng/m3. Tuy nhiên, chi phí khai thác và thuế đã chiếm trên khoảng 50% giá bán ra.

Do đó, với khối lượng 2,3 triệu m3 cát thì doanh nghiệp cũng không thể nào khai thác và bán với mức giá để đạt được mức hòa vốn với số tiền 2.812 tỷ đồng đã chi ra.

Ông Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang chia sẻ, với kết quả một doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát trên sông Tiền với giá 2.811 tỷ đồng thì đây là kết quả bất ngờ. 

"Rất nhiều khả năng doanh nghiệp này sẽ bỏ quyền khai thác cát", ông Trí nói và cho biết thêm, đối với mỏ cát trên sông Tiền, để có giấy phép khai thác đúng quy định, doanh nghiệp trúng đấu giá phải đóng tiền đợt 1 khoảng 140 tỷ đồng. 

Trường hợp doanh nghiệp "bỏ chạy" thì phải chịu mất tiền cọc 1,4 tỷ đồng. Hiện, quy định pháp luật chưa có chế tài xử lý trường hợp doanh nghiệp trúng đấu giá rồi bỏ.

Song, trả lời với báo Thanh Niên, đại tá Đinh Văn Nơi, Giám đốc Công an tỉnh An Giang cho rằng không loại trừ khả năng doanh nghiệp đưa ra giá cao để trúng thầu khai thác mỏ cát nhằm mục đích khác. “Có khả năng trúng thầu với số tiền khủng khiếp như vậy để làm thủ tục gì đó chứ làm sao mua nổi với giá này. Doanh nghiệp có thể bỏ cái này (mất tiền ký quỹ) nhưng được cái kia. Công an đang tìm hiểu”.

An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long, trong đó có 8 huyện, thị xã, thành phố (thị xã Tân Châu, thành phố Châu Đốc, huyện An Phú, huyện Phú Tân, huyện Chợ Mới, huyện Châu Phú, huyện Châu Thành và thành phố Long Xuyên) nằm dọc theo hai dòng sông chính là sông Tiền, sông Hậu và các nhánh sông khác với nguồn tài nguyên khoáng sản (cát sông) trù phú.

Mỏ cát ở sông Hậu và sông Tiền của An Giang được đánh giá là lớn nhất miền Tây, không chỉ cung cấp phục vụ các công trình trong tỉnh mà còn được bán cho các khu vực lân cận.

Những năm trước,tỉnh An Giang không đấu giá khai thác mỏ cát mà chỉ thực hiện khi UBND tỉnh cho chủ trương. Bắt đầu từ năm 2018, các mỏ khoáng sản đá hay cát hoặc đất công muốn giao cho doanh nghiệp đầu tư đều phải đấu giá công khai, rõ ràng theo Nghị định 201.

Minh Hằng