|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Thương hiệu Giày Thượng Đình quốc dân và cú trượt dài hậu cổ phần hóa

16:10 | 05/04/2021
Chia sẻ
Sau khi IPO, Giày Thượng Đình trượt dài với kết quả kinh doanh liên tục thua lỗ, lu mờ giữa hàng chục thương hiệu trong, ngoài nước và những vướng mắc chưa có hồi kết ở các khu đất vàng tại Hà Nội.
Thương hiệu giày bata quốc dân và tấn bi kịch hậu cổ phần hóa - Ảnh 1.

Đồ họa: Alex Chu.

CTCP Giày Thượng Đình (Mã: GTD), một thương hiệu giày dép với tuổi đời hơn 60 năm, được ví như thương hiệu "giày quốc dân" có kết quả kinh doanh tụt dốc sau giai đoạn chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).

Ông chủ giày bata quốc dân gánh lỗ hơn trăm tỷ đồng

Năm 2015, Giày Thượng Đình quyết định IPO trên sàn HNX với hơn 1,9 triệu cổ phiếu, mức giá tham chiếu là 10.000 đồng/cp.

Thời điểm đó, có đến 22 triệu cổ phiếu được đăng ký mua vào, gấp hơn chục lần số lượng chào bán với mức giá cao nhất lên đến 51.000 đồng/cp.

Song, trái ngược với thời huy hoàng của hãng giày này trước đó, những chuỗi ngày hậu cổ phần hóa diễn ra với kết quả liên tiếp lỗ 4 năm mà theo công ty là "sản lượng xuất khẩu giảm đáng kể và công nhân nghỉ việc rất nhiều".

Riêng năm 2020, dù đã cố gắng chi gấp đôi số tiền quảng cáo so với năm trước đó nhưng vì COVID-19, doanh thu giảm mạnh xuống 104 tỷ đồng. Chưa kể chi phí nhân công và chi phí khấu hao tăng gần gấp đôi khiến doanh nghiệp ôm lỗ lịch sử 114 tỷ đồng. Tính đến cuối năm ngoái, công ty lỗ lũy kế hơn 48 tỷ đồng, chiếm gần một nửa vốn điều lệ.

Thương hiệu giày bata quốc dân và tấn bi kịch hậu cổ phần hóa - Ảnh 2.

Kết quả kinh doanh của Giày Thượng Đình. (Nguồn: Tổng hợp từ BCTC của GTD).

Theo báo cáo tài chính năm 2020 đã được kiểm toán, kiểm toán viên đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu ngắn hạn tồn đọng với số tiền 11,87 tỷ đồng.

Thương hiệu giày bata quốc dân và tấn bi kịch hậu cổ phần hóa - Ảnh 3.

Nợ xấu của Giày Thượng Đình. (Nguồn: BCTC năm 2020 đã kiểm toán của GTD).

Cụ thể, Ban giám đốc Giày Thượng Đình cho rằng khoản công nợ sẽ được thu hồi. Trong khi đó, kiểm toán không thu nhập đầy đủ bằng chứng thích hợp để xác định khả năng thu hồi của số dư nợ tồn đọng này. 

Kiểm toán cũng không xác định được liệu có cần thiết phải điều chỉnh khoản mục nói trên hay không và các ảnh hưởng nếu có đến cáo cáo tài chính năm 2020 của công ty.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng nhấn mạnh hàng tồn kho của công ty có một số vật tư, thành phẩm chậm luân chuyển với số tiền 2,6 tỷ đồng. Song, Ban Giám đốc công ty đánh giá đây là các mặt hàng dự trữ cần thiết và không bị suy giảm giá trị vào thời điểm 31/12/2020.

Đáng chú ý, tại thời điểm 31/12/2020, số dư nợ ngắn hạn của Giày Thượng Đình lớn hơn tài sản ngắn hạn hơn 4 tỷ đồng, công ty chỉ còn 1,2 tỷ đồng tiền mặt, kiểm toán cho rằng khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của công ty có thể không được đảm bảo.

Tuy nhiên Ban Giám đốc thông tin những tháng cuối năm 2020, công ty đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu, các khoản nợ đến hạn đã được thanh toán trước hạn và Ban giám đốc công ty cam kết sẽ cố gắng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.

Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Giày Thượng Đình xấp xỉ 110 tỷ đồng, giảm 33 tỷ đồng so với đầu năm. 

Nợ phải trả của công ty tính đến hết năm ngoái là 65 tỷ đồng, giảm 20 tỷ đồng và chiếm 59% tổng nguồn vốn. Phần lớn nợ phải trả là nợ ngắn hạn, ghi nhận 55 tỷ đồng, giảm 35%. Công ty chỉ đi vay ngắn hạn gần 23 tỷ đồng.

Ì ạch giữa dòng chảy thị trường và vướng mắc khu đất vàng

fff - Ảnh 2.

Sản phẩm Giày Thượng Đình. (Ảnh: GTD).

5 năm qua, làn sóng hàng hiệu như Adidas, Puma, Nike,...đổ bộ Việt Nam, dấy lên cuộc tranh khốc liệt giữa các thương hiệu giày dép ngoại và hàng nội địa. 

Thậm chí, dù lâu năm trên thị trường nhưng Biti's cũng phải "thay áo" sản phẩm, chi hàng trăm tỷ đồng thực hiện các chiến lược nhận diện thương hiệu, thay đổi hình ảnh phù hợp với xu hướng.

Song, hầu như những sản phẩm của Giày Thượng Đình không có nhiều thay đổi về mẫu mã. Hình ảnh của Giày Thượng Đình trong mắt người tiêu dùng vẫn là những đôi giày thể thao giá rẻ khoảng 100.000 đồng và được gán mác là "giày bảo hộ lao động". Chính điểm yếu này đã khiến hãng giày vang bóng một thời phải hụt hơi trong cuộc đua giành giật thị phần.

Điểm tựa duy nhất của Giày Thượng Đình chính là khu đất hơn 36.000 m2 được sử dụng làm nhà xưởng tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Đây cũng là yếu tố giúp công ty thu hút được nhà đầu tư thời điểm mới IPO.

Thương hiệu giày bata quốc dân và tấn bi kịch hậu cổ phần hóa - Ảnh 5.

Khu đất của công ty tại 277 Nguyễn Trãi, Hà Nội. (Ảnh: VnEconomy).

Theo thông tin quy hoạch tại Hà Nội thì Giày Thượng Đình sẽ phải di dời ra ngoại thành nhưng đến nay công tác này chưa được thực hiện. Bản thân Thượng Đình cũng muốn chuyển nhà máy càng sớm càng tốt bởi việc sản xuất kinh doanh không thể bù đắp chi phí thuê đất hơn chục tỷ đồng.

Theo quyết định số 908 của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội buộc phải thoái toàn bộ 68,67% vốn tại Giày Thượng Đình trước ngày 31/12/2020, nhưng đến hiện tại việc thoái vốn vẫn chưa hoàn tất.

Vấn đề thoái vốn còn vướng mắc có lẽ đến từ việc xác định giá trị của các khu đất vàng mà Giày Thượng Đình đang sở hữu như phố Hạ Đình, quận Thanh Xuân và khu đất Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội.

Ban quản trị cho biết sẽ đẩy nhanh việc thoái vốn và cố gắng cầm cự trong thời gian tới.

Công ty Giày Thượng Đình được thành lập từ năm 1957 với vốn điều lệ 93 tỷ đồng. Từ ngày 19/07/2016 công ty chuyển đổi thành CTCP Giầy Thượng Đình. Lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là giày vải, dép các loại.

Hiện Giày Thượng Đình có hai nhà máy, một nhà máy tại 277 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội với sản lượng trung bình 250.000 - 300.000 đôi/ tháng. Nhà máy số hai đặt tại khu công nghiệp Đồng Văn - Hà Nam, tỉnh Hà Nam, với sản lượng trung bình 50.000 - 60,000 đôi/ tháng.

Thị trường xuất khẩu chính là các nước thành viên khối EU, Nhật (chiếm 80% sản lượng giầy xuất khẩu), ngoài ra còn xuất sang các nước khác như Mexico, Mỹ, Australia và một số nước khu vực Đông Nam Á.

Minh Hằng

Chủ tịch Hồ Hùng Anh: Techcombank sẽ mở rộng thêm mảng SME, tín dụng tiêu dùng, mục tiêu vốn hoá 20 tỷ USD năm 2025
Techcombank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 15% sau 10 năm liên tiếp giữ lại lợi nhuận. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết Techcombank đang xây dựng chính sách để chia cổ tức một cách bền vững, trong dài hạn chứ không chỉ là một vài năm.