|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Nhìn lại hành trình tăng vốn của FLC: Từ 18 tỷ đến mục tiêu 12.000 tỷ

16:36 | 26/03/2021
Chia sẻ
Tập đoàn FLC được thành lập 12 năm về trước với vốn điều lệ ban đầu 18 tỷ đồng. Hiện nay, doanh nghiệp này có vốn 7.100 tỷ và đang lên kế hoạch chào bán 497 triệu cổ phiếu cho cổ đông để tiếp tục tăng vốn lên trên 12.000 tỷ.
Nhìn lại hành trình tăng vốn của FLC: Từ 18 tỷ đến mục tiêu 12.000 tỷ - Ảnh 1.

Cán bộ, nhân viên Bamboo Airways tại trụ sở Tập đoàn FLC. (Ảnh: Đức Quyền).

Con đường tìm tên gọi FLC

Tiền thân của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC hiện nay là Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune được thành lập ngày 17/3/2008 với số vốn ban đầu là 18 tỷ đồng.

Ngày 9/12/2009, Trường Phú Fortune chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH sang công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư tổng hợp CRV. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đang ghi nhận Tập đoàn FLC được thành lập vào ngày 9/12/2009 này.

Ngày 20/1/2010, CRV đổi tên thành Công ty cổ phần FLC. Đến ngày 22/11/2010, công ty tiếp tục được đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn FLC và giữ nguyên tên gọi này từ đó đến nay.

Theo giải thích của công ty, FLC là viết tắt của ba từ tiếng Anh là Finance (Tài chính), Land (Bất động sản) và Corporate (Doanh nghiệp).

Thực tế hiện nay, hai mảng kinh doanh trọng điểm của FLC là bất động sản và hàng không. Tập đoàn đã và đang đầu tư các dự án quy mô nghìn tỷ tại Quảng Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, ... 

Hãng hàng không Bamboo Airways do FLC thành lập hiện đang khai thác gần 30 tàu bay, bao gồm các loại thân hẹp thông thường như A320/A321 đến tàu thân rộng Boeing 787-9 và tàu phản lực khu vực Embraer 195.

Hành trình tăng vốn

Ngày 6/2/2010, Công ty cổ phần FLC phát hành riêng lẻ cho cổ đông chiến lược để tăng vốn điều lệ từ 18 tỷ đồng ban đầu lên 25 tỷ đồng.

Chỉ hai ngày sau, vào 8/2/2010, FLC thông qua một phương án phát hành riêng lẻ khác và đến ngày 28/3/2010, vốn điều lệ của FLC chính thức tăng lên 100 tỷ đồng.

Ngày 1/10/2010, FLC hoàn tất phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu, tiếp tục nâng vốn lên thành 170 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Quyết là người giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của FLC từ ngày 31/8/2010 đến nay. 

Theo báo cáo thường niên năm 2010, ông Quyết sở hữu 1,76% vốn điều lệ của FLC. Công ty TNHH Quản lý Quỹ SSI (SSIAM) góp 5,88% vốn. SSIAM là công ty con của CTCP Chứng khoán SSI do ông Nguyễn Duy Hưng làm Chủ tịch HĐQT. 

Đến tháng 8/2019, ông Nguyễn Duy Hưng tuyên bố nếu Bamboo Airways (khi đó là công ty con của FLC) mở đường bay thẳng đến Mỹ thì cá nhân ông sẽ sử dụng dịch vụ của hãng này trong ít nhất 80% số chuyến đi.

Bên cạnh đó, ông Hưng nói rõ rằng: "Tôi cũng như các tổ chức đầu tư do tôi điều hành không đầu tư cổ phiếu FLC vì không phù hợp tiêu chí của chúng tôi".

Nói cách khác, SSIAM của ông Hưng đã thoái vốn khỏi FLC trước dòng trạng thái Facebook đó.

Ngày 1/4/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra văn bản chấp thuận cho Tập đoàn FLC trở thành công ty đại chúng.

Từ năm 2012 đến tháng 2/2018, Tập đoàn FLC đã 7 lần tăng vốn điều lệ thông qua phát hành để trả cổ tức, phát hành để hoán đổi trong các thương vụ sáp nhập, phát hành riêng lẻ, chào bán cho cổ đông hiện hữu … 

Từ tháng 8/2018 đến nay, Tập đoàn FLC duy trì mức vốn điều lệ 7.100 tỷ đồng.

Nhìn lại hành trình tăng vốn của FLC: Từ 18 tỷ đến mục tiêu 12.000 tỷ - Ảnh 3.

Hai kế hoạch chào bán bất thành

Đại hội cổ đông thường niên ngày 12/6/2018 của FLC đã thông qua kế hoạch chào bán 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 42,2%, giá chào bán 10.000 đồng/cp. Mục tiêu là huy động 3.000 tỷ đồng đầu để đầu tư Dự án quần thể FLC Quảng Bình.

Tuy nhiên giá cổ phiếu FLC liên tục thấp hơn mệnh giá và kế hoạch phát hành trên đã không được thực hiện.

Sau đó, Đại hội cổ đông thường niên ngày 26/6/2019 lại tiếp tục phê chuẩn kế hoạch chào bán xấp xỉ 300 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, dự thu khoảng 3.000 tỷ đồng để thực hiện một số dự án, đầu tư vào các công ty con và bổ sung vốn lưu động.

"Năm nay chúng tôi lại trình đại hội thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 3.000 tỷ đồng nhưng nếu cổ phiếu FLC không trên mệnh giá thì chúng tôi cũng không phát hành", ông Quyết tuyên bố trước Đại hội thường niên 2019.

FLC đã tích cực thực hiện nhiều công đoạn chuẩn bị như soạn thảo và công bố bản cáo bạch, xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và được chấp thuận chào bán, chọn ngày đăng ký cuối cùng, sau đó hủy ngày đăng ký cuối cùng đã chọn và được UBCK gia hạn thời gian phát hành, chọn lại ngày đăng ký cuối cùng rồi tiếp tục hủy một lần nữa và chấm dứt hẳn kế hoạch phát hành vào ngày 31/10/2019.

Lý do dừng phát hành mà ban lãnh đạo FLC đưa ra là diễn biến thị trường chứng khoán không thuận lợi và "để phù hợp với tình hình thực tế và hoạt động của công ty". Thực tế trong suốt ba năm 2018, 2019 và 2020, giá cổ phiếu FLC chưa khi nào lên tới mệnh giá.

Chủ tịch Trịnh Văn Quyết từng nói: "Giá cổ phiếu FLC thấp tôi cũng buồn lắm, có khi cả tháng tôi không xem bảng điện tử".

FLC vượt mệnh giá, mục tiêu phát hành tham vọng hơn trước

Tháng 2 và 3/2021, giá cổ phiếu FLC bước vào đợt tăng giá mạnh, trong đó có nhiều phiên tăng trần liên tiếp. Hôm qua 25/3, giá FLC đã lần đầu tiên vượt mệnh giá sau nhiều năm dài chờ đợi và trong sự mong chờ của các cổ đông.

Cũng trong tuần này, Tập đoàn FLC công bố tài liệu phục vụ đại hội cổ đông thường niên 2021, trong đó có tờ trình về kế hoạch phát hành xấp xỉ 497 triệu cổ phiếu theo tỷ lệ 70% để huy động tiền cho loạt dự án bất động sản và bổ sung vốn điều lệ.

Cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu FLC sẽ được quyền mua thêm 7 cổ phiếu mới. Giá chào bán chưa được xác định. Nếu bán bằng mệnh giá, Tập đoàn FLC sẽ thu về 4.970 tỷ đồng.

Giả sử đợt chào bán diễn ra thành công 100%, số cổ phiếu FLC lưu hành sẽ là trên 1,2 tỷ đơn vị, tương ứng với vốn điều lệ hơn 12.000 tỷ đồng. Như vậy, sau hai lần dự định tăng vốn bất thành, Tập đoàn FLC đã quay trở lại với một bản kế hoạch chào bán còn khủng hơn trước. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý II và III năm nay.

Bamboo Airways – hãng hàng không do Tập đoàn FLC thành lập – cũng có hành trình tăng vốn ấn tượng không kém. Thành lập ngày 31/5/2017 với mức vốn 700 tỷ đồng, hiện nay Bamboo đã nâng vốn lên thành 10.500 tỷ, tương đương 1,05 tỷ cổ phần. Tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn FLC từ sau ngày 5/2/2021 là 39,4%.

Dự kiến trong quý III tới, Bamboo Airways sẽ niêm yết hơn 1 tỷ cổ phiếu của mình lên sàn chứng khoán.

Song Ngọc

Thống đốc NHNN giải thích lý do không thể đồng thời mở rộng chính sách tiền tệ và tài khoá
Theo Thống đốc do tình hình kinh tế khó lường, không thể có chính sách tiền tệ và tài khóa đồng thời mở rộng, NHNN đã chọn phương án phù hợp để kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất, ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ.